Từ ngày 10 đến 17-8, tại TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) diễn ra Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 23. Triển lãm giới thiệu 150 tác phẩm của 142 tác giả ở 6 tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 3 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Tham gia triển lãm, Khánh Hòa có 17 tác giả với 17 tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu sơn dầu, gốm sành, gò nhôm, arcrylic, khắc gỗ. Trong đó, tác phẩm Phiên chợ vùng cao của họa sĩ Bùi Văn Quang được nhận giải khuyến khích.
Nhìn vào danh sách các họa sĩ có tác phẩm được chọn tham dự triển lãm, chúng ta dễ nhận thấy đó vẫn là những cái tên quen thuộc như: Bùi Văn Quang, Lê Văn Duy, Nguyễn Quang Tuyến, Trần Hà, Lê Trí, Đoàn Xuân Hùng, Trần Mạnh Đức… “Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên thiên về việc khuyến khích, tìm tòi những nhân tố mới, tác giả trẻ có triển vọng. Nhưng rất tiếc, mỹ thuật Khánh Hòa lại đang thiếu điều đó. Những họa sĩ tham gia triển lãm lần này có thể nói đã nhẵn mặt với Ban tổ chức; họ cũng từng nhận được những giải thưởng của triển lãm, nên dù tác phẩm của họ có xuất sắc, Ban tổ chức cũng không thể trao giải cho những tác giả này được”, họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ.
Những năm qua, số lượng hội viên mới được kết nạp vào Chi hội Mỹ thuật (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) chỉ đếm trên đầu ngón tay; những hội viên mới đó cũng ở độ tuổi trên 35. Vấn đề họa sĩ trẻ thực sự đang là một khoảng trống trong hoạt động mỹ thuật của Khánh Hòa. Thiếu đội ngũ họa sĩ trẻ, mỹ thuật tỉnh thiếu đi những cái mới lạ, độc đáo. Theo họa sĩ Trần Hà, 10 năm qua, mỹ thuật Khánh Hòa không có thế hệ họa sĩ kế cận. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn do tác động của tình hình kinh tế - xã hội. Các bạn trẻ có năng khiếu hội họa bây giờ phần lớn đều lựa chọn lĩnh vực kiến trúc hoặc mỹ thuật ứng dụng; mỹ thuật sáng tạo gần như không còn thu hút giới trẻ. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao sau các lớp họa sĩ như: Thanh Hồ, Lê Trí, Nguyễn Liêu, Bùi Văn Quang, Lê Văn Duy… thì có lớp kế cận với những cái tên: Trần Mạnh Đức, Trần Hà, Đoàn Xuân Hùng… Nhưng mạch chảy của mỹ thuật Khánh Hòa gần như dừng ở đó. Bởi dù vẫn có những họa sĩ, những người hoạt động mỹ thuật, nhưng họ chưa để lại dấu ấn của mình trong lòng công chúng, chưa thể hiện được sức bật của mình trong giới chuyên môn, hay nói cách khác, họ chưa có phong cách, cá tính mỹ thuật riêng.
Vấn đề sân chơi cho các họa sĩ thể hiện tài năng, giới thiệu tác phẩm cũng đang rất thiếu. Ngoài triển lãm mỹ thuật toàn quốc diễn ra 5 năm/lần, hàng năm có triển lãm mỹ thuật các khu vực. Về phía tỉnh, mỗi năm cũng có tổ chức triển lãm mỹ thuật tỉnh vào dịp kỷ niệm ngày Mỹ thuật Việt Nam, nhưng hoạt động này mang yếu tố tinh thần nhiều hơn so với yêu cầu chuyên môn. Họa sĩ Lê Văn Duy cho rằng ngoài một số họa sĩ có điều kiện tổ chức các triển lãm cá nhân hoặc gửi tác phẩm tham gia những cuộc thi trong và ngoài khu vực, thì không có nhiều sân chơi mang tính chất quy tụ được đông đảo họa sĩ trong và ngoài tỉnh để qua đó có thể giao lưu, học hỏi, tìm hiểu xu hướng mỹ thuật.
Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên là sân chơi hàng năm của các họa sĩ trong khu vực. Vậy mà đã 15 năm, triển lãm này chưa quay trở lại Khánh Hòa. Trong khi đó, một số tỉnh, thành khác đã đăng cai tổ chức 2 hoặc 3 lần. “Theo kế hoạch, Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2019 sẽ được tổ chức ở Nha Trang, nhưng do vấn đề kinh phí nên Hội Mỹ thuật Việt Nam đã quyết định chọn Đắk Lắk để tổ chức. Điều này cũng để lại những tâm tư nhất định đối với anh em họa sĩ trong tỉnh”, họa sĩ Trần Hà cho biết.
Tác giả bài viết: Giang Đình
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...