Khánh Sơn: Triển khai dự án khu tái định cư Dốc Trầu

Thứ hai - 08/05/2017 11:16
Để tạo điều kiện cho người dân tại khu dân cư (KDC) Đỉnh Đèo (thuộc thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang triển khai thực hiện Dự án Khu tái định cư (TĐC) thôn Dốc Trầu, với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh…

Cuộc sống khó khăn

Cuộc sống của 5 nhân khẩu trong gia đình bà Bo Bo Thị Nhậm (ở KDC Đỉnh Đèo) phụ thuộc vào nguồn thu từ 1ha chuối, bắp. Tuy nhiên, diện tích sản xuất cách nhà 7 - 8km, năng suất cây trồng thấp, nên chồng bà phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. “Cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ đảm bảo được cái ăn hàng ngày nên đến bây giờ gia đình tôi vẫn thuộc diện hộ nghèo. Không chỉ khó khăn về kinh tế, mà ở đây còn thiếu nguồn nước sạch. Hàng ngày, vợ chồng tôi phải mất nhiều thời gian để đi gùi từng can nước về phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi”, bà Nhậm bày tỏ.

Gia đình bà Cao Uyên thiếu đất sản xuất 4 - 5 năm nay và phải chật vật với từng bữa ăn hàng ngày. Trước đây, gia đình bà xâm canh sản xuất bên địa phận huyện Cam Lâm, nhưng năm 2012 thì bị thu hồi đất. Không có đất sản xuất, chồng lại bị mù lòa, cuộc sống cả gia đình 5 người nhà bà trông chờ hoàn toàn vào tiền làm thuê làm mướn của đứa con lớn và việc cắt lá chuối, hái măng, hái đót trên rừng của bà.

Theo bà Cao Thị An (trưởng thôn Dốc Trầu), KDC Đỉnh Đèo có 60 hộ sinh sống. Trong đó, hầu hết thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn bởi thiếu nước sinh hoạt; điều kiện sản xuất không thuận lợi, do diện tích sản xuất chủ yếu ở những khu vực đồi dốc, đất thoái hóa, bạc màu, chỉ trồng được chuối, bắp, năng suất thấp. “Hàng năm, các cấp, ngành, đơn vị tài trợ cũng quan tâm hỗ trợ, tặng quà người dân ở KDC Đỉnh Đèo nhân dịp lễ, Tết hoặc thời điểm giáp hạt, ảnh hưởng mưa lũ. Tuy vậy, chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt của người dân, nhiều gia đình vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn”, bà An nói.  

Ông Trương Văn Vỹ - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc, trong số những hộ tại KDC Đỉnh Đèo có nhiều hộ xâm canh sản xuất bên địa phận huyện Cam Lâm. Tuy nhiên, năm 2012, huyện Cam Lâm đã thu hồi đất để thực hiện dự án trồng rừng. Từ đó, có 21 hộ đã lâm vào tình cảnh thiếu đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. “Từ khi bị thu hồi đất đến nay, để duy trì cuộc sống của cả gia đình, hàng ngày tôi phải đi làm thuê nhưng tiền công ít nên cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, tôi mong muốn được chuyển đến nơi ở mới, có đất sản xuất và điều kiện sống tốt hơn”, ông Cao Thuyển (ở KDC Đỉnh Đèo) nói.
 

images5001507 Doc Trau
Cuộc sống nhiều hộ tại khu dân cư Đỉnh Đèo rất khó khăn vì thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt.

Sẽ xây dựng khu tái định cư

Ông Trần Hữu Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý các công trình xây dựng huyện Khánh Sơn cho biết, để tạo điều kiện cho các hộ tại KDC Đỉnh Đèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, huyện đang triển khai thực hiện Dự án Khu TĐC thôn Dốc Trầu, với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, được xây dựng ở thôn Dốc Trầu (cách trụ sở UBND xã Ba Cụm Bắc khoảng 1km). Theo thiết kế, dự án bao gồm các hạng mục công trình: nhà ở cho 30 hộ (mỗi căn nhà có diện tích khoảng 57m2, bao gồm cả công trình vệ sinh khép kín), đường giao thông, hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt và nhà sinh hoạt cộng đồng.

Hiện tại, các ngành liên quan của huyện đã tiến hành kiểm kê tài sản, hoa màu và đang xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực xây dựng nhà ở và các công trình thiết yếu của khu TĐC. Đồng thời, lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công các hạng mục công trình trong thời gian tới. Bên cạnh đó, huyện Khánh Sơn cũng đã chỉ đạo ngành liên quan rà soát, bóc tách đất để giao cho người dân trồng trọt, chăn nuôi ngay khi về nơi ở mới. Dự kiến, mỗi hộ sẽ được giao khoảng 1ha đất để sản xuất, từng bước ổn định đời sống. Theo kế hoạch, Dự án Khu TĐC thôn Dốc Trầu sẽ hoàn thành trong năm 2018.   

Ông Trương Văn Vỹ - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc cho biết: “Thời gian qua, xã cũng đã tiến hành lấy ý kiến của các hộ tại KDC Đỉnh Đèo. Người dân đều đồng tình, ủng hộ di dời. Theo chỉ đạo của UBND huyện, việc di dời các hộ tại đây, trước hết ưu tiên 21 hộ thiếu đất sản xuất, tiếp đến là 9 hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, điều kiện sản xuất, nước sinh hoạt và có nguyện vọng di dời. Bên cạnh 30 hộ này, có 5 hộ khác cũng có nguyện vọng được chuyển đến khu TĐC mới nhưng hiện tại chưa thể giải quyết được vì nguồn vốn có hạn”.

Tác giả bài viết: Đinh Luận

Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây