Mua bán sôi nổi
Mấy năm gần đây, huyện Khánh Sơn đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ lực là những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, quýt đường và mía tím… Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt cho huyện Khánh Sơn tiếp tục chuyển đổi hơn 348ha cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, nhiều hộ cũng tự đầu tư mở rộng diện tích sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, quýt đường. Vì thế, nhu cầu về cây giống là khá lớn. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các cơ sở kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn huyện đã nhập hàng về từ khá sớm. Ngoài các cơ sở tư nhân, năm nay có thêm một cơ sở cung cấp giống cây cho người dân, đó là Hợp tác xã (HTX) cây ăn quả xã Sơn Bình. Vì vậy, nguồn cung giống cây trồng hiện tại khá dồi dào và lượng tiêu thụ cũng tương đối lớn.
Ông Lê Anh Quang - thành viên Ban quản trị HTX cây ăn quả xã Sơn Bình cho biết: “Năm 2018, HTX nhập về khoảng 40.000 cây giống các loại để cung ứng cho người dân. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã bán được hơn 20.000 cây cho khách hàng trên địa bàn huyện. Về giá cả, đối với sầu riêng đạt tiêu chuẩn, trước đây từ 125.000 đồng đến 130.000 đồng/cây. Hiện nay, HTX hạ xuống 120.000 đồng/cây (bao cả công vận chuyển và thuế giá trị gia tăng), bằng với giá của UBND tỉnh phê duyệt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ tham gia chuyển đổi cây trồng theo Quyết định 1609 của UBND tỉnh mua cây giống về trồng”.
Ông Hồ Văn Thành - người dân xã Thành Sơn chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi chuyển đổi khoảng 1,5ha cà phê kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Tôi chọn mua 300 cây giống trong HTX cây ăn quả xã Sơn Bình vì đỡ được công vận chuyển, có hợp đồng mua bán, giá cả cũng cố định và rẻ hơn một số nơi khác. Nếu mua ở bên ngoài, đôi khi giá cả lên xuống thất thường”.
Tăng cường quản lý chất lượng nguồn giống
Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có 7 cơ sở kinh doanh giống cây trồng, tập trung chủ yếu tại xã Sơn Bình, với lượng cây giống tiêu thụ hàng trăm nghìn cây mỗi năm, phần lớn là cây ăn quả. Tuy nhiên, gần như toàn bộ các loại giống cây cung cấp cho bà con đều được nhập từ các tỉnh miền Nam, một số giống có thể do nhiều công ty, đơn vị sản xuất. Do đó, việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc là rất cần thiết, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo bà Bo Bo Thị Kiên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vừa qua, đội kiểm tra liên ngành của huyện đã tiến hành đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn huyện. Qua đó, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhìn chung, hầu hết các cơ sở đều đảm bảo hồ sơ, thủ tục cần thiết, nhất là giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các hợp đồng mua bán, có niêm yết giá bán trên cây giống… Tuy nhiên, còn một số cơ sở cũng mắc một vài lỗi nhỏ, đoàn cũng đã nhắc nhở để cơ sở bổ sung đầy đủ thủ tục hồ sơ về lĩnh vực kinh doanh giống cây trồng.
“Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND các xã, thị trấn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân và thông báo, niêm yết công khai những cơ sở đủ điều kiện kinh doanh giống cây trồng và đảm bảo chất lượng nguồn giống. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu các xã, thị trấn không được mua cây giống của những cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện, cây giống không đảm bảo chất lượng để cung cấp cho người dân chuyển đổi diện tích canh tác, nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương”, bà Kiên nói.
Tác giả bài viết: Đinh Luận
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...