Khánh Sơn: Hiệu quả hoạt động tổ hợp tác

Thứ năm - 10/08/2017 11:55
Thời gian qua, tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã thành lập các tổ hợp tác sản xuất nhằm giúp hội viên nông dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Nhiều tổ hợp tác phát huy hiệu quả

Hộ bà Nguyễn Thị Nhiều (thôn Liên Hiệp, xã Sơn Hiệp) trồng 5 sào mía tím. Trước năm 2013, mọi khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bà chỉ làm theo kinh nghiệm, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên cây mía cho năng suất, chất lượng thấp. Năm 2013, Hội Nông dân xã thành lập tổ liên kết trồng mía tím (nay là tổ liên kết trồng và chăm sóc mía tím), gia đình bà đã gia nhập tổ. “Từ khi tham gia tổ hợp tác trồng và chăm sóc mía tím, tôi được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật canh tác cây mía nên sản lượng thu hoạch hàng năm tăng hơn trước”, bà Nhiều cho biết.  

Theo ông Nguyễn Văn Kết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hiệp, hiện nay, tổ hợp tác trồng và chăm sóc mía tím của xã có 12 thành viên, với diện tích canh tác khoảng 10ha. Thời gian qua, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây mía tím cho người dân. Nhờ vậy, người dân đã giảm được kinh phí đầu tư phân bón, ngày công lao động, năng suất mía cũng tăng đáng kể.

Từ tổ liên kết chăn nuôi heo (xã Sơn Trung) được thành lập đầu tiên trên địa bàn huyện năm 2010, đến nay, huyện Khánh Sơn đã có 15 tổ hợp tác trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi tại các xã, thị trấn, với 176 thành viên. Các tổ hợp tác được hình thành dựa trên hai hình thức là liên kết các mô hình sản xuất sẵn có hoặc các mô hình sản xuất mới hình thành. Theo ông Cao Phạm Cưỡng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, đến nay, một số tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả như: Tổ hợp tác trồng sầu riêng tại xã Sơn Bình, trồng mía tím tại xã Sơn Hiệp… bước đầu giúp hội viên nông dân khắc phục một số khó khăn trong sản xuất như: nguồn vốn, công cụ lao động và kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Kết quả này đã tác động tích cực đến quá trình thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới như: thu nhập, tổ chức sản xuất, cơ cấu lao động, giảm nghèo.

Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Sơn Trung

Vẫn còn khó khăn

Bên cạnh thành công bước đầu, nội dung hoạt động của các tổ hợp tác tại Khánh Sơn còn đơn giản, chủ yếu theo hình thức tương trợ lẫn nhau, hợp tác chưa chặt chẽ, chỉ mang tính ngắn hạn. Khó khăn lớn nhất hiện nay mà các tổ hợp tác đang gặp phải đó là nguồn vốn tái đầu tư và mở rộng sản xuất, đầu ra cho sản phẩm. Ông Đoàn Ngọc Giang - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Sơn Trung cho biết, năm 2013, tổ có 19 thành viên, nhưng cuối năm 2016, vì giá heo giảm nên nhiều hộ đã xin rút khỏi tổ, hiện nay chỉ còn 6 thành viên. Mặt khác, hiện tại, tổ đã trả nợ hết nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân trước đây, nhưng vay lại thì rất khó. “Chúng tôi rất mong sự quan tâm hỗ trợ của các cấp về kỹ thuật chăm sóc heo và nguồn vốn để phát triển chăn nuôi và duy trì bền vững, lâu dài tổ hợp tác”, ông Giang bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Kết, tổ hợp tác trồng và chăm sóc mía tím xã Sơn Hiệp có một tổ trưởng đứng ra thu mua sản phẩm cho các thành viên trong tổ và những hộ khác. Tuy nhiên, hàng năm, toàn xã trồng 55 - 60ha mía tím nên một người không thể thu mua hết được. Do đó, giá cả và đầu ra cho cây mía tím vẫn rất bếp bênh.

Ông Cao Phạm Cưỡng cho biết, để giúp nông dân tìm đầu ra cho nông sản, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã tham gia các phiên kết nối cung cầu, làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh về việc thu mua  các mặt hàng nông sản của Khánh Sơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác sản xuất vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí được phân bổ không nhiều, các tổ chỉ được vay nguồn vốn ban đầu và mỗi hộ vay 15 - 20 triệu đồng. Đối với những hộ đã vay các kênh tính dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ không được vay nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân. Khó khăn nhất hiện nay là những tổ hợp tác tại xã Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp - đây là những khu vực không thuộc vùng khó khăn nên không được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội theo kênh tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Do đó, các tổ hợp tác tại hai địa phương này phải vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ. Nhưng hiện tại, chương trình này cũng chưa giải quyết được.

“Bên cạnh việc nỗ lực hỗ trợ về nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm, Hội Nông dân huyện cũng sẽ tập trung hướng dẫn hội viên nông dân các thủ tục hành chính để thành lập các hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và nguồn lực để mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Bởi đây là hướng đi cần thiết để hội nông dân tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Cưỡng nói.

Tác giả bài viết: Đinh Luận

Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây