Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là vợ chồng bà Mấu Thị Nguyệt (thôn Tà Nỉa, xã Sơn Trung) cùng những người dân trong thôn lại lên rừng hái đót. Mọi năm đót nhiều, cả vụ bà cũng kiếm được khoản tiền kha khá. Nhưng năm nay, đót khan hiếm, bà phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ mới đến được chỗ có đót. Tuy vậy, cũng chỉ hái được khoảng 10kg đót. “Trước đây, mỗi ngày chúng tôi có thể kiếm được 200 ngàn đồng tiền đót. Nhưng năm nay, chỉ được 5 - 7 chục hoặc 100 ngàn đồng/ngày, mà đi tìm đót cũng mất nhiều thời gian và đường xa hơn trước, phải đi đến tận núi Ma O mới có đót để hái”, bà Nguyệt chia sẻ.
Sau khi hái đót trên rừng về, người dân thường bán đót tươi cho các tư thương trong huyện. Sau đó, đót được phơi khô để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, có khi tận TP. Hồ Chí Minh. Cũng có một số gia đình trong huyện thu mua đót khô về làm chổi rồi đem bỏ mối cho các đại lý và siêu thị. Do đó, mỗi mùa thu hoạch đót thường là mùa làm ăn của không ít người. Tuy nhiên, năm nay, đót giảm cả về sản lượng lẫn giá bán. Hiện tại, 1kg đót tươi giá chỉ 6.000 đồng (thấp hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg). Ngoài nguyên nhân diện tích đót ngày càng bị thu hẹp, thì thời tiết mưa nhiều cũng khiến việc đi hái đót của người dân gặp không ít khó khăn. Đến khi thời tiết nắng ráo thì nhiều diện tích đót đã nở bông, không sử dụng được nữa. Đối với số đót đã được hái về, chất lượng cũng giảm do không có nắng để phơi. Do đó, giá đót khô bán ra thị trường cũng thấp hơn mấy năm trước khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Hương, một tư thương tại thị trấn Tô Hạp cho biết: “Năm ngoái, vừa hết Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã thu mua được khoảng 1,5 tấn đót khô, nhưng năm nay đến giờ này mới được khoảng 2 tạ. Vừa rồi, có thương lái ở Phú Yên vào hỏi mua đót khô, họ cũng chỉ trả khoảng 18.000 đồng/kg, rẻ hơn so với mọi năm”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến, cuộc sống của người Raglai từ xa xưa đã gắn bó mật thiết với thiên nhiên, núi rừng, việc lên rừng hái đót, hái nấm, hái mây trong những ngày đầu năm không chỉ vì mục đích kinh tế mà đã trở thành phong tục tốt đẹp của đồng bào. Mùa thu hoạch đót là mở đầu một năm đi nương đi rẫy, đây được xem là “lộc rừng” đầu năm của người dân.
Đến nay, cây đót vẫn chỉ là loại cây mọc tự nhiên trong rừng. Việc thu hoạch, trao đổi hàng hóa cũng chỉ là hoạt động tự phát giữa đồng bào dân tộc thiểu số với tư thương. Mặt khác, trước thực trạng diện tích đót ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến nét đẹp truyền thống của đồng bào trong những ngày đầu xuân năm mới đang có nguy cơ mai một và nguồn thu của nhiều hộ gia đình bị giảm sút. Thiết nghĩ, các cấp, ngành nên quan tâm đến vấn đề này, có giải pháp phù hợp để đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển cây lâm nghiệp dài ngày và cây đót để đồng bào có thể sống dựa vào rừng mà không phải xâm hại đến rừng. Đồng thời, có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để đảm bảo nguồn thu nhập hàng năm.
Tác giả bài viết: ĐINH LUẬN
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...