Khánh Sơn: Bệnh tay chân miệng tăng đột biến

Thứ ba - 16/10/2018 10:46
Trong hơn 10 ngày đầu tháng 10, số bệnh nhân mắc tay chân miệng tại Khánh Sơn gia tăng đột biến. Để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục bùng phát và lan rộng ra cộng đồng, ngành Y tế huyện đang nỗ lực, đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, đến cuối tháng 9, số bệnh nhân tay chân miệng trên địa bàn là 46 trường hợp, bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong hơn 10 ngày đầu tháng 10, tình hình dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp. Đến ngày 12-10, số ca bệnh tăng đột biến, lên đến 89 ca, 3 ổ dịch. Bệnh nhân xuất hiện rải rác trong cộng đồng dân cư và các trường học. Đến nay, đã có 2 bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, còn hầu hết ở thể nhẹ, đã được điều trị kịp thời và xuất viện, còn hơn 10 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.

Khám bệnh cho trẻ em tại Khánh Sơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Hiện tại là mùa mưa, trong khi điều kiện vệ sinh của nhiều hộ gia đình còn hạn chế, không có nhà tiêu hợp vệ sinh nên khi có trẻ mắc bệnh rất dễ lây truyền cho trẻ khác. Nhiều gia đình có trẻ mắc tay chân miệng vẫn còn sàn nhà bằng đất nên không thể lau sàn bằng dung dịch sát khuẩn, dẫn đến việc khử nhiễm ở những khu vực này khá khó khăn”.

Trường Mầm non 1-6 là một trong những khu vực được phát hiện ổ tay chân miệng, với số ca mắc từ đầu năm học đến nay là 6 ca. Bà Ngô Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Khi phát hiện trẻ bị tay chân miệng, nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền đến phụ huynh về phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thực hiện công tác vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh phòng lớp, đồ dùng đồ chơi, phun hóa chất khử khuẩn trong toàn trường, với sự hỗ trợ về chuyên môn của ngành Y tế huyện. Nhờ đó, toàn trường chỉ còn 2 cháu đang được cách ly điều trị, không có thêm trẻ bị mắc mới”.  

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là bệnh tay chân miệng không chỉ xuất hiện ở những trẻ dưới 5 tuổi, mà đã có 2 bệnh nhân 7 tuổi và 13 tuổi tại thị trấn Tô Hạp. Mặt khác, công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại cộng đồng đang gặp không ít khó khăn. Nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan, lơ là, không thực hiện tốt việc cách ly con em mình khi đã nhiễm bệnh nên dễ dẫn đến tình trạng lây lan ra những trẻ xung quanh. Cũng có không ít gia đình do bận việc nương rẫy nên không thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ. “Vợ chồng tôi bận đi làm rẫy suốt ngày, nên rất ít thời gian để lo cho các con. Khi thấy con mình bị sốt và lở miệng, đưa đến bệnh viện khám mới biết cháu đã bị tay chân miệng”, bà Mấu Thị Thịnh (xã Sơn Lâm) cho biết.

 Hiện tại, tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại Khánh Sơn vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù ngành Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng, dập dịch theo quy định của Bộ Y tế, tổ chức tiêu độc khử trùng những khu vực ổ dịch ngay sau khi phát hiện có bệnh nhân và cả những nơi có nguy cơ bùng phát dịch. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tự ý đưa con trốn khỏi bệnh viện về nhà trong quá trình điều trị cho trẻ, dẫn đến khó kiểm soát nguy cơ bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

“Để tránh tình trạng phát sinh thêm ổ dịch tay chân miệng và hạn chế gia tăng số ca mắc mới, hàng ngày, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các trạm y tế cơ sở đến trường học và những hộ gia đình có trẻ mắc bệnh giám sát, hướng dẫn xử lý môi trường, vệ sinh trường lớp, nơi ở, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng”, bác sĩ Thúy nói.

Tác giả bài viết: Đinh Luận

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây