Theo thống kê của UBND huyện Khánh Sơn, trước đây, các loại cây bản địa như lồ ô, le trên địa bàn huyện rất nhiều, nhưng hiện nay diện tích còn lại chẳng là bao. Giai đoạn 2010-2016, diện tích rừng lồ ô trên địa bàn huyện giảm hơn 130ha, hiện nay chỉ còn lại khoảng 31,7ha trong quy hoạch rừng sản xuất và 287ha trên diện tích đất quy hoạch là rừng phòng hộ.
Nguyên nhân khiến diện tích các loại rừng này bị thu hẹp là do người dân khai thác quá mức, không hợp lý và phát đốt lồ ô, le để lấy đất làm nương rẫy. Điều này đã khiến cho chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn ở một số địa bàn suy giảm, giảm độ che phủ rừng, xói mòn, rửa trôi đất. Đồng thời còn làm mất đi nguồn thu nhập lúc nông nhàn của một bộ phận người dân sống gần rừng.
Ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp chia sẻ: “Hiện nay, cây lồ ô được người dân khai thác bán cho thương lái ở huyện Cam Lâm với giá 5.000 - 7.000 đồng/cây. Trong khi đó, măng le được bán với giá 200.000 - 250.000 đồng/kg khô (10kg măng tươi phơi được 1kg măng khô). Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Cây lồ ô, cây le là những loại cây bản địa mọc ngay cạnh vườn nhà, bên nương rẫy của người dân nên khai thác dễ dàng. Việc khôi phục rừng lồ ô, rừng le không chỉ có ý nghĩa về mặt phục hồi rừng phòng hộ mà còn có ý nghĩa trong việc tạo thu nhập cho người dân”.
Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, mới đây, UBND huyện trình và HĐND huyện đã thông qua 2 đề án quan trọng trong việc khoanh nuôi, phát triển cây lồ ô, cây le trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020. Việc triển khai 2 đề án này sẽ giúp rừng lồ ô, rừng le trên địa bàn huyện phục hồi, tăng độ che phủ rừng và cho phép người dân khai thác để tăng thu nhập. Đối với đề án khoanh nuôi và phát triển rừng lồ ô, huyện sẽ đầu tư gần 675 triệu đồng để hỗ trợ khoanh nuôi, phục hồi và trồng bổ sung tổng diện tích 318,7ha tại 3 xã Sơn Hiệp, Sơn Lâm và Thành Sơn. Trong đó, diện tích khoanh nuôi trồng bổ sung 31,7ha và diện tích khoanh nuôi tái sinh 287ha. Các hộ nhận giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng lồ ô sẽ được hưởng tiền hỗ trợ về trồng rừng bổ sung, khoanh nuôi tái sinh rừng, ngoài ra còn được hưởng lợi từ việc khai thác cây lồ ô.
UBND huyện cũng sẽ đầu tư 65,5 triệu đồng để trồng thử nghiệm cây măng le tại thôn Tà Gụ (xã Sơn Hiệp). Theo đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương sẽ được hỗ trợ 100% chi phí giống, khuyến lâm, được hỗ trợ kinh phí giao khoán bảo vệ rừng… với định mức hơn 9,6 triệu đồng/ha/4 năm. Ngoài ra, các hộ còn được hưởng lợi từ việc khai thác măng le.
Ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương vận dụng tối đa các quy định để hỗ trợ các hộ nhận giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển cây lồ ô cũng như trồng thử nghiệm cây măng le.
Tác giả bài viết: BÍCH LA
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...