Khánh Hòa tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ hai - 02/04/2018 09:32
Chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp và đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào. Nhưng với những mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta. 
 
 
Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước. Hai là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. 
 
Vượt qua những năm tháng khó khăn, quân và dân Khánh Hòa đã bền bỉ đấu tranh chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, kiên quyết bảo tồn lực lượng cách mạng. Từ năm 1960, thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, cùng với khí thế của toàn miền Nam, phong trào cách mạng ở Khánh Hòa chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công. Ở miền núi, quân và dân ta đã bẻ gãy các cuộc càn quét của địch, giải phóng miền núi xây dựng thành căn cứ địa vững chắc cho phong trào kháng chiến toàn tỉnh. Ở đồng bằng, Nhân dân đồng khởi giành quyền làm chủ và lỏng kèm một mảng lớn vùng nông thôn, đưa phong trào đấu tranh bằng quân sự, chính trị, binh vận, thực hiện ba mũi giáp công lên từng bước, làm thất bại “quốc sách ấp chiến lược” xương sống “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. 
 
Quân giải phóng tiến về thị xã Nha Trang ngày 2-4-1975. (ảnh tư liệu)
Tháng 8-1961, Hội nghị Tỉnh ủy đặt mạnh vấn đề tập trung sức phá kế hoạch gom dân, lập ấp chiến lược của địch. Từ đó, phong trào đấu tranh vũ trang trong tỉnh ngày một phát triển. Lực lượng vũ trang của tỉnh liên tục tấn công vào các đồn bót, trụ sở và triệt phá nhiều ấp chiến lược của địch ở khắp các huyện, thị. Từ cuối năm 1964 đến năm 1965, được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng vũ trang, phong trào đồng khởi ở đồng bằng nổi lên mạnh mẽ, giải phóng được nhiều vùng trong tỉnh, góp phần cùng toàn miền làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Tháng 3-1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam thực thi chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 10-6-1965, Mỹ đổ bộ vào Cam Ranh và xây dựng một khu căn cứ quân sự khổng lồ, một kho hậu cần chiến lược phục vụ cho Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Quân Mỹ và Nam Triều Tiên mở rộng căn cứ, tiến hành càn quét bắn phá, tạo điều kiện cho quân ngụy lấn chiếm vùng giải phóng. Quân và dân ta đã bám đánh địch quyết liệt. Ở bắc Khánh Hòa, bộ đội địa phương và du kích đánh lui các trận càn của các tiểu đoàn quân Mỹ và Nam Triều Tiên. Ở nam Khánh Hòa, ta đánh lui cuộc càn của Lữ đoàn dù 101 Mỹ vào căn cứ Hòn Dữ. 
 
Từ năm 1965 - 1967, quân dân Khánh Hòa đã chiến đấu anh dũng, góp phần với quân dân toàn miền đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của đế quốc Mỹ. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Khánh Hòa đã nổ ra trong giờ phút đầu tiên của toàn miền và thực hiện mạnh mẽ ở trọng điểm Nha Trang. Phối hợp với phong trào đấu tranh chính trị của Nhân dân, quân ta đã đột nhập tiến công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của địch ở khắp các quận lỵ, thị trấn, chiếm lĩnh một số nơi quan trọng trong thị xã Nha Trang. Sau thất bại xuân Mậu Thân, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh và ngồi đàm với ta ở Paris. Tuy bị thất bại nặng nề, nhưng âm mưu và bản chất cực kỳ ngoan cố của Mỹ vẫn không thay đổi, chúng chuyển sang dùng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thực hiện “bình định cấp tốc” với nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt. 
 
Trước tình hình đó, từ đầu năm 1969 đến năm 1971, Tỉnh ủy đã tổ chức sắp xếp lại lực lượng và chủ trương mở các chiến dịch với phương châm “giành dân, giành quyền làm chủ, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ”. Lực lượng vũ trang và Nhân dân các địa phương đã tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiến hành diệt ác trị điệp, phá rã lực lượng phòng vệ dân sự trên một diện rộng, đẩy lùi kế hoạch “bình định đặc biệt” của địch, làm chủ thêm nhiều địa bàn mới. Phong trào chiến tranh du kích, hoạt động của tự vệ mật, các đội vũ trang công tác bám dân bám làng bằng hầm bí mật đã trở thành phổ biến. Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, nòng cốt là phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Phong trào đấu tranh của phật tử nổ ra khá rầm rộ chống lại chính sách bất công của ngụy quyền Thiệu. Phong trào đấu tranh của thương phế binh ở Nha Trang do bức xúc về quyền lợi diễn ra khá mạnh mẽ, có lúc rất quyết liệt. Tiếp theo, cùng toàn quân Khu V, ta mở chiến dịch xuân hè 1972. Thắng lợi trong chiến dịch xuân hè 1972 đã đánh bại thêm một đòn quan trọng kế hoạch “bình định nông thôn” của địch, buộc chúng phải co vào thế phòng ngự xung quanh thị xã, thị trấn, chi khu và quận lỵ. 
 
Trước sự thất bại nặng nề của Mỹ và trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, cuối năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện chủ trương này, vào tháng 2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã họp bàn biện pháp thực hiện chỉ thị của Khu ủy và chuẩn bị tốt mọi mặt để phối hợp giải phóng các huyện. Tháng 3-1975, quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, sau khi lực lượng chủ lực của ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, cắt đứt đường 21; địch bất lực, ta chiếm luôn quận lỵ Khánh Dương vào ngày 22-3. Sáng ngày 31-3, Sư đoàn 10 chủ lực của ta từ phía tây thừa thắng tiến quân về phía đông với sức mạnh như vũ bão. Tại huyện Ninh Hòa, đội vũ trang công tác và du kích cùng Nhân dân nổi dậy ở nhiều xã. Ngày 1-4, Ninh Hòa giải phóng. Từ ngày 1 đến ngày 2-4, vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh được giải phóng. Địch ở Nha Trang nhốn nháo tháo chạy. Các đội võ trang và cơ sở của ta trong thị xã đã chủ động bảo vệ các cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng. 15 giờ ngày 2-4, Sư đoàn 10 có sự phối hợp với quân dân địa phương tiến vào giải phóng thị xã Nha Trang, tiếp theo là Vĩnh Xương, Diên Khánh. Ngày 3-4, giải phóng Cam Ranh và khu liên hợp quân sự Cam Ranh. 58.000 quân địch ở Khánh Hòa hoàn toàn tan rã. 
 
Sau khi được giải phóng, Khánh Hòa trở thành bàn đạp quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời, quân và dân Khánh Hòa đã góp phần cùng các lực lượng thuộc Quân khu V và bộ đội hải quân, lần lượt giải phóng các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... Ngày 28-4-1975, toàn bộ quần đảo Trường Sa được giải phóng. Ngày 30-4-1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài suốt 21 năm, quân và dân tỉnh Khánh Hòa chịu nhiều gian khổ hy sinh, đầy thử thách, song vô cùng oanh liệt và vẻ vang, góp phần quan trọng làm nên toàn thắng vẻ vang của cả nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã khen tặng cho Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
A.T (Tổng hợp theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây