Thời gian qua, một số hộ tại xã Sơn Trung nhiều lần phản ánh về việc rừng tự nhiên phục hồi sau khai thác tại khu vực giáp ranh xã Sơn Trung - Sơn Hiệp thuộc tiểu khu 276 bị khai thác trái phép. Tại tiểu khu 276, theo quan sát của chúng tôi, ven các khu vực rẫy người dân đang canh tác có gần 10 cây rừng đã bị cưa hạ, chủ yếu là chò xót (thuộc nhóm V). Trao đổi với lãnh đạo UBND các xã: Sơn Trung, Sơn Hiệp, được biết, khu vực này rất ít khi lâm tặc nhòm ngó, bởi không còn các loại cây có giá trị kinh tế cao, các cây tại đây chủ yếu phục hồi sau khai thác nên đường kính còn nhỏ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn cho biết: “Thực tế, việc khai thác lâm sản trái phép tại tiểu khu 276 rất ít, chỉ có tình trạng người dân cắt một số ít cây để cưa ván làm chòi canh rẫy, chứ khai thác rầm rộ đưa đi tiêu thụ trái phép là không có. Tuy nhiên, tại khu vực này đang tồn tại khoảng 5 hộ lấn chiếm đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn với tổng diện tích hơn 5ha. Ban quản lý đang củng cố hồ sơ, làm việc với UBND các xã để xử lý vấn đề này”.
Theo ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, từ thông tin phản ánh của người dân, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thực địa tại khu vực này và phát hiện có một số hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp do Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn quản lý, canh tác nương rẫy, trồng cây lâu năm. Tại khu vực rừng giáp ranh Sơn Trung - Sơn Hiệp không có dấu hiệu chặt phá rừng trái phép. Qua kiểm tra có thể khẳng định, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng nhà nước, các cơ quan liên quan quan tâm và triển khai thực hiện tương đối tốt, tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra tình trạng một số hộ lấn đất, chủ yếu là của Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn. Người dân đã lập vườn, làm nương rẫy nên khi có kế hoạch trồng rừng khó thu hồi và sẽ xảy ra tranh chấp.
Để công tác quản lý bảo vệ rừng được tốt hơn, UBND huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo UBND các xã: Sơn Hiệp, Sơn Trung phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên kiểm tra, hạn chế đến mức thấp nhất việc người dân vào rừng khai thác lâm sản, lấn chiếm đất trái phép. Bên cạnh đó, tập trung quản lý tốt việc đốt nương rẫy của nhân dân trên địa bàn xã; khi đốt rẫy tổ chức lực lượng canh coi để không cháy lan vào rừng; quản lý việc dùng lửa trong rừng và ven rừng theo đúng quy định; triển khai tốt kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng đã được phê duyệt. Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo UBND các xã: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn phải có nhiệm vụ quản lý chặt những diện tích đất trống do đơn vị quản lý, không cho người dân lấn chiếm. Đơn vị chủ rừng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra để kịp thời phát hiện, lập biên bản xử lý các đối tượng chiếm đất, yêu cầu trả lại đất và có kế hoạch trồng lại rừng trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cần phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường lực lượng, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại rừng, làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Tác giả bài viết: BÍCH LA - GIANG ĐÌNH
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...