Năm 2015, ông Cao Lĩnh (thôn Ma O, xã Sơn Trung) đăng ký theo học lớp sơ cấp dạy nghề trồng cây công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân phối hợp tổ chức tại địa bàn xã. Sau 2 tháng được cầm tay chỉ việc trực tiếp trên cây hồ tiêu, ông đã nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, nhất là biện pháp chống ngập úng... Nhờ tích cực vận dụng những kiến thức đã học vào quá trình canh tác nên vườn tiêu của gia đình ông luôn phát triển tốt và cho năng suất cao (3 - 5kg quả khô/trụ).
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn tiêu nhà ông Cao Lĩnh luôn cho năng suất cao |
Ông Nguyễn Ngọc Minh (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) cho biết: “Trước năm 2015, tôi chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cà phê chỉ theo kinh nghiệm, nhiều khi bón phân hoặc phòng trừ sâu bệnh hại không kịp thời, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao. Tuy nhiên, sau khi theo học lớp sơ cấp nghề trồng cây công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tổ chức và áp dụng vào sản xuất, vườn cà phê của gia đình tôi cho năng suất cao hơn nhiều”.
Theo ông Trần Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã mở các lớp sơ cấp dạy nghề trồng cây lúa nước (tại xã Ba Cụm Bắc) và trồng cây công nghiệp (tại xã Sơn Trung) cho 65 hội viên, nông dân. Đến nay, hầu hết học viên sau đào tạo đều áp dụng có hiệu quả kiến thức được học vào thực tế sản xuất.
Ông Lê Quốc Toàn - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho biết, trước khi khai giảng khóa học, trung tâm tổ chức buổi tuyên truyền, tư vấn để nông dân nắm được ý nghĩa, sự cần thiết của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nông dân có động lực để tham gia đầy đủ các buổi học. Các lớp học đều được tổ chức theo hình thức “cầm tay chỉ việc” để nông dân nắm được các kiến thức và áp dụng có hiệu quả trong quá trình canh tác cây trồng. Thời gian tổ chức khóa học theo chu kỳ, mùa vụ của các loại cây trồng để nông dân có thể thực hành ngay trên đối tượng mình học. Giáo trình học chủ yếu tập trung hướng dẫn trực tiếp ngay tại vườn cho người dân về cách chăm sóc, bón phân, phòng bệnh cho cây trồng trong từng thời kỳ. Đặc biệt về cách sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm để khi sản phẩm thu hoạch và bán ra thị trường phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Dự kiến, sắp tới, trung tâm sẽ mở lớp sơ cấp dạy nghề trồng cây công nghiệp cho hội viên, nông dân xã Sơn Bình. Sau đó, căn cứ nhu cầu thực tế của nông dân, đơn vị sẽ tiếp tục mở các lớp tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhằm trang bị cho người dân kiến thức cần thiết để tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
Tác giả bài viết: Đ.Luận
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...