Gia Lai đã sẵn sàng cho ngày khai hội cồng chiêng

Thứ năm - 29/11/2018 08:42
Hiện các địa phương trong tỉnh đang gấp rút hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng, hàng trăm nghệ nhân cũng đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên- Festival văn hóa cồng chiêng 2018.
 
Các nghệ nhân lấy lại âm chuẩn cho bộ chiêng của làng để tham gia biểu diễn tại Festival. Ảnh: Báo Gia Lai

Diễn ra từ 30/11 đến 2/12, không lặp lại những gì đã có ở các festival trước, Festival văn hóa cồng chiêng 2018 sẽ phục dựng nhiều lễ hội dân gian, nghi lễ quan trọng một cách sống động nhất.

Dịp này, Gia Lai chào đón hơn 1.000 nghệ nhân cồng chiêng của 25 đoàn đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên.

Hiện các địa phương trong tỉnh đang gấp rút hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng, hàng trăm nghệ nhân tỉnh Gia Lai cũng đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pưh (Gia Lai) hào hứng chia sẻ: “Các nghệ nhân đại diện cho huyện tham gia Festival đều rất phấn khởi, vui mừng và tự hào khi đem văn hóa truyền thống của mình giới thiệu với các dân tộc khác. Ai cũng háo hức tập luyện, mong chờ đến ngày Festival khai mạc. Các khâu hậu cần phục vụ nghệ nhân cũng được chúng tôi chuẩn bị xong, chỉ chờ ngày lên đường”.  

Theo ông Nguyễn Quang Tuệ, Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai), các tỉnh Tây Nguyên cơ bản vẫn giữ được văn hóa cồng chiêng. Trên tổng số hơn 10.000 bộ cồng chiêng của Tây Nguyên, Gia Lai chiếm hơn một nửa. Xung quanh Quảng trường Đại đoàn kết, TP. Pleiku, Ban tổ chức bố trí 30 gian cho các đoàn tự biểu diễn, tái hiện văn hóa dân tộc mình như đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca, diễn xướng sử thi, tạc tượng… Du khách có thể trực tiếp trải nghiệm những hoạt động này. 

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Nhiều món ăn đặc trưng, thể hiện được tinh túy ẩm thực Tây Nguyên sẽ được chọn lựa phục vụ tại Festival năm nay”. Theo đó, các món ăn chủ đạo sẽ là phở khô, gà nướng, cơm lam, thịt dê/heo/bò xiên nướng, măng rừng, lá mì cà đắng, thịt bò một nắng, cá sông Sê San, các loại thức uống như cà phê, rượu cần… bảo đảm phục vụ nhu cầu của thực khách, đặc biệt là khách ngoại tỉnh vốn yêu thích và lạ miệng với ẩm thực bản địa.

Để khám phá thêm về Gia Lai, du khách có thể đăng ký các tour du lịch cộng đồng về các địa phương để trải nghiệm các sinh hoạt thường nhật của bà con buôn làng, tìm hiểu thêm về văn hóa vùng miền. Đến Gia Lai mùa này, du khách vẫn kịp ngắm các triền núi được phủ vàng sắc hoa dã quỳ, đồi thông xanh ngút ngàn, đồi chè vào vụ thẳng tắp hay những rẫy cà phê bạt ngàn; trải nghiệm cảm giác thú vị tại các thác nước hùng vĩ mới được khai thác du lịch như thác Mơ, thác 7 tầng, thác 9 tầng, thác K50…

Tác giả bài viết: Ngân Hà

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây