Đưa hò bá trạo gần hơn với công chúng

Thứ ba - 18/09/2018 10:13
Hò bá trạo là một trò diễn dân gian nằm trong lễ hội cầu ngư ở các làng biển. Với nét đặc sắc riêng, hò bá trạo hoàn toàn có thể tách ra trình diễn độc lập như một loại hình nghệ thuật diễn xướng để đến gần hơn với công chúng.
Cứ vào tầm tháng Ba, tháng Tư âm lịch hàng năm, khi các làng biển rộn ràng với lễ hội cầu ngư cũng là lúc người dân lại được hòa mình với những màn hô hát, biểu diễn hò bá trạo. Thông qua các lớp diễn: “Giáo đầu”, “Ra khơi”, “Tổng thương xem giông”, “Về bến”… mọi người hình dung được những hoạt động của ngư dân trong quá trình lao động trên biển với những vất vả, gian nan khi thuyền gặp phong ba bão tố, khi kéo lưới, giăng câu. Bên cạnh đó cũng có những giây phút khoan thai, thong dong tận hưởng cảnh gió trăng, mây nước. “Xem hò bá trạo, những ngư dân như tôi cảm thấy rất thích. Dù từ lâu tôi không còn đi biển, nhưng mỗi lần xem diễn hò bá trạo, ký ức về một thời bám biển ra khơi lại trở về trong tâm trí”, ông Bảy Nước - lão ngư ở phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) chia sẻ.
 
 Những năm qua, vào các kỳ Festival Biển, lễ hội cầu ngư và hò bá trạo được tái hiện. Dù diễn ra trên sân khấu hay diễu hành đường phố, hò bá trạo luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người xem. Sự xuất hiện của những nhân vật: Tổng lái, Tổng thương, Tổng mũi, Trạo phu với những câu hô hát dõng dạc và lời ca lúc khoan, lúc nhặt tạo nên bầu không khí rộn ràng, náo nhiệt. “Trò diễn này rất sinh động, mang đậm màu sắc văn hóa vùng biển địa phương. Nếu được tổ chức diễn thường xuyên cho người dân và du khách sẽ góp phần giới thiệu, gìn giữ nét văn hóa này”, chị Lưu Chi Phương - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.

Trò diễn hò bá trạo được tái hiện trong Festival Biển 2017.

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hò bá trạo thường có nội dung tập trung ca ngợi công đức Ông Nam Hải và ước mong cuộc sống an hòa, cầu cho được mùa tôm cá. Đây là trò diễn có từ lâu đời và liên tục được các thế hệ ngư dân, nghệ nhân góp công gìn giữ, đắp bồi và đến nay đã đạt tới độ hoàn chỉnh về nội dung, cấu trúc. Bổn tuồng trong hò bá trạo có cấu trúc mở, nhờ đó luôn được bổ sung để ngày càng phong phú. Nếu lễ hội cầu ngư là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của cư dân vùng biển Khánh Hòa thì hò bá trạo là tác phẩm nghệ thuật dân gian đặc sắc riêng có trong lễ hội. Với nét độc đáo và tầm quan trọng của trò diễn hò bá trạo, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du lịch. Trong đó, có các giải pháp cụ thể để đưa hò bá trạo đến gần hơn với công chúng, nhất là khách du lịch. 
 
 Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành vào đầu tháng 7, từ 19 đến 21 giờ vào các ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần tại Công viên Yến sào sẽ diễn ra chương trình diễn xướng hò bá trạo và biểu diễn các trích đoạn tuồng do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đảm nhận. Theo bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, đơn vị đã lập dự toán kinh phí tổ chức biểu diễn phục vụ trình lên Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính chờ phê duyệt. Nếu sớm được thông qua thì trong tháng 11 nhà hát sẽ thực hiện việc trình diễn hò bá trạo để phục vụ người dân và du khách. Trò diễn hò bá trạo lâu nay vẫn được diễn viên của nhà hát tập luyện và biểu diễn. Đây chính là điểm thuận lợi khi thực hiện kế hoạch của tỉnh. Đơn vị chỉ biên tập, tập luyện lại một chút cho phù hợp với nội dung, kết cấu của chương trình dưới hình thức nghệ thuật đường phố. Nhà hát rất mong muốn đưa trò diễn dân gian này với công chúng thường xuyên hơn. Bởi điều này không chỉ giới thiệu cho du khách biết thêm về một loại hình nghệ thuật truyền thống, mà còn góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển Khánh Hòa.

Tác giả bài viết: Giang Đình

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây