Người Raglai sống thành từng pa-lây (buôn làng) trên khu đất cao, nơi gần nguồn nước. Mỗi pa-lây thường gồm vài chục nóc nhà, mà các thành viên trong Pa-lây đều cùng chung dòng họ. Mỗi khi lập làng mới, công việc đầu tiên là dựng nhà sàn. Nhà sàn của người Raglai có một số nét kiến trúc riêng và ẩn chứa trong kiến trúc ấy còn là những phong tục tập quán độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Mỗi khi lập làng mới, công việc đầu tiên là dựng nhà sàn. Ảnh: langvietonline
Theo truyền thống từ xa xưa, việc làm nhà mới của người Raglai bắt đầu bằng nghi thức bói tìm đất. Bà chủ nhà đem 7 hạt gạo đặt trên đất rồi lấy cái bát úp lên để bói tìm sự linh ứng của thần đất. Sau 3 ngày, 3 đêm lật bát lên xem, nếu hạt gạo còn nguyên là thuận. Ngược lại, mất hạt nào thì phải đi bói, tìm dựng nhà chỗ khác. Nhà sàn truyền thống của người Raglai được xếp vào loại kiến trúc dân gian, một kiểu kiến trúc phổ biến trong cộng đồng các dân tộc anh em ở vùng núi cao. Với kiểu nhà dân gian truyền thống này, vật liệu làm nhà sàn chủ yếu vẫn là tre, nứa, gỗ, lá cây rừng…Đây là những vật dụng có sẵn trong rừng, do vậy mọi người trong gia đình đều có thể tham gia dựng nhà sàn mà không cần thợ hướng dẫn.Tuy nhiên nhà sàn của người Raglai cũng có một số đặc điểm kiến trúc, mang bản sắc riêng.
Tiến sỹ Thành Phần, Nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc Raglai, cho biết:“ Nếu những ngôi nhà Rông của các dân tộc Tây Nguyên thể hiện sự dũng mãnh, thì ngôi nhà sàn của người Raglai lại nhỏ nhắn hơn, thường nằm dưới chân núi, được bao bọc bởi núi rừng hùng vĩ. Phải chăng chính điều này làm cho ngôi nhà sàn của người Raglai giữ được vẻ nguyên sơ vốn có của nó và cũng chính điều này mà người Raglai đã hình thành những luật tục bảo vệ được những giá trị văn hoá riêng biệt mà cho đến nay vẫn lưu giữ và phát huy trong cộng đồng”
Từ xa xưa, tộc người Raglai thường cư trú ở vùng núi cao, tuy nhiên trong quá trình hình thành và phát triển, nhiều bộ phận người Raglai đã di cư từ hướng Bắc vào vùng đất mới. Trong quá trình này, các gia đình hạt nhân dần tách ra khỏi nhà sàn dài để tạo ra ngôi nhà sàn đơn sơ bốn mái, vừa đủ cho một đôi vợ chồng và những đứa con. Nhà sàn truyền thống của người Ra Glai được dựng lên trên nhiều cây cột, từ nền đất lên đến sàn nhà cao không quá một mét. Mái nhà sàn thường được làm riêng và khi làm xong mới được đặt lên khung nhà. Hình mái nhà có dáng dấp như một con thuyền úp ngược, theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy dấu ấn giao thoa văn hoá của nhóm dân tộc có nguồn gốc Nam đảo. Vách bên trong nhà sàn, phía bên trái là nơi treo nhạc cụ, vách nhà bên phải để những chiếc giáo, hay những con dao là lễ hồi môn của các chàng rể khi về nhà vợ. Nét độc đáo trong nhà sàn của người Raglai là nhà sàn dù lớn hay nhỏ, nhưng không thể thiếu cột cái ở giữa nhà, xuyên từ mái qua sàn xuống đất. Đối với người Raglai đây là cây cột tâm linh rất hệ trọng linh thiêng, bởi mọi nghị lễ cúng của gia đình đều diễn ra xung quanh cột chính của ngôi nhà. Theo quan niệm xưa của đồng bào Raglai, cột cái trong nhà chính là đường lên xuống của ông bà tổ tiên mỗi khi về với con cháu trong các lễ cúng của gia tộc. Trong nhà sàn truyền thống của người Raglai luôn có bếp lửa. Có thể có nhiều bếp lửa trong một nhà sàn, nhưng trong bếp chính của chủ nhà thì luôn có lửa cháy. Bên bếp lửa, ông bà thường hát kể cho con cháu nhưng bài sử thi, truyện cổ tích và các làn điệu dân ca Raglai
Nhà sàn của người Raglai. Ảnh: langvietonline
Theo các nghệ nhân Raglai, việc truyền dạy sử thi có thể thực hiện ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu thể hiện hay hơn là bên bếp lửa nhà sàn. Những đêm nghe hát kể sử như thế dường như mọi người cảm nhận sâu sắc hơn cái thần, cái hồn của sử thi, nét tinh hoa văn hoá của dân tộc Raglai. Người Raglai có nhiều lễ hội trong năm và hầu hết các lễ hội đều diễn ra xung quanh ngôi nhà sàn. Những nghi lễ cũng là dịp để các bậc ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết giữ phép tắc, giữ gìn nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Anh Chamalé Năng, người dân tộc Raglai, cho biết:“ Tôi tự hào vì dân tộc mình có nhà sàn truyền thống, nhất là vào dịp lễ được đánh chiêng Mã la, đánh đàn Cha pi. Những lễ hội thế này giúp thanh niên Raglai chúng tôi hiểu rõ hơn bản sắc văn hoá dân tộc mình”
Những ngôi nhà sàn của người Raglai trông vẻ bên ngoài tưởng chừng mong manh, nhưng lại rất chắc chắn. Giữa rừng núi cao nguyên, những ngôi nhà sàn đơn sơ, nhưng vững chãi như chính bản tính của người Raglai hiền hoà chân chất gắn bó cuộc sống của họ với thiên nhiên núi rừng và dưới những mái nhà sàn ấy, cộng đồng người Raglai vẫn giữ được nền văn hoá mang đậm bản sắc, niềm tự hào của dân tộc mình./.