Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, buổi thi Ngữ văn có 41 TS vắng trong tổng số 13.335 TS đăng ký dự thi, chiếm tỷ lệ 0,31%. Buổi thi Toán có 49 TS vắng trong tổng số 13.524 TS đăng ký dự thi, chiếm 0,36%. Công tác tổ chức thi trong ngày đầu tiên được thực hiện nghiêm túc, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi và không xảy ra sự cố nào đặc biệt. Tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm thi ổn định.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Công tác tổ chức thi cơ bản đã đi vào nề nếp, sở có kinh nghiệm qua các năm nên việc chuẩn bị cho kỳ thi khá thuận lợi. Các trường THPT chú trọng việc dạy học và ôn tập giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, đồng thời nhiều lần tổ chức thi thử cho học sinh; trong năm học sở cũng tổ chức 1 đợt thi thử cho học sinh toàn tỉnh làm quen theo đúng cách thức thi THPT quốc gia nên nhìn chung tâm lý của TS khá thoải mái khi bước vào kỳ thi chính thức”.
Năm nay, đề Ngữ văn (bài thi duy nhất ra theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút) được ra theo hướng mở, yêu cầu TS trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân. Phần nghị luận văn học (5 điểm) bao gồm cả kiến thức lớp 11 và 12, song không tách bạch thành câu hỏi riêng mà yêu cầu TS phải biết xâu chuỗi, liên hệ, tổng hợp vấn đề. Trong đó, yêu cầu phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình làng chài (truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, chương trình lớp 12). Từ đó, liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (truyện ngắn Hai đứa trẻ, chương trình lớp 11) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả. Một số TS nhận định đề khó hơn so với đề thi THPT năm 2017 và đề thi tham khảo năm 2018. Tuy nhiên, đây là cơ hội để các TS giỏi ăn điểm ở khả năng tư duy, lập luận vấn đề.
Đề Toán ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan (mỗi TS trong 1 phòng thi có mã đề riêng), thời gian làm bài 90 phút cũng được nhiều TS nhận định là dài và khó so với năm trước, độ phân hóa cao. Trong đó, phần kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 1/4 tổng số điểm bài thi. Một số TS cho biết, chỉ học sinh thật sự giỏi mới có thể làm tốt những câu cuối và đạt điểm 9, 10.
Ngày 26 và 27-6, TS dự thi các bài thi còn lại gồm: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Ngoại ngữ, Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Tất cả các bài đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Tiếp tục đảm bảo tốt các điều kiện phục vụ kỳ thi
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh sau khi kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tại một số điểm trên địa bàn TP. Nha Trang.
Tại các điểm thi, sau khi nghe báo cáo công tác chuẩn bị, triển khai các phương án tổ chức kỳ thi và kiểm tra thực tế tại một số phòng thi, ông Nguyễn Đắc Tài đánh giá, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện phục vụ kỳ thi. Ông đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm… trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, động viên TS để tạo cho các em tâm lý thoải mái, hoàn thành tốt bài thi, đảm bảo cho kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.
Tác giả bài viết: H.NGÂN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...