Quốc gia “giàu có” về di sản
Năm 2017 được xem là năm thành công trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt cũng như quảng bá bản sắc Việt Nam ra thế giới. Thêm hai di sản được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử UNESCO ghi nhận trường hợp chuyển Hát Xoan từ Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sang Di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Điều này một lần nữa khẳng định, công tác gìn giữ, phát huy các giá trị di sản được quan tâm.
![]() |
Khu du lịch sinh thái Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới năm 2014 (ảnh: Mạnh Thắng). |
Việt Nam tự hào có 25 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Con số này không lớn nếu so với các quốc gia có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận như: Italia có 53 di sản thế giới; Trung Quốc có 48 di sản thế giới; Pháp có 41 di sản thế giới; Tây Ban Nha có 39 di sản thế giới; Đức có 38 di sản thế giới; Ấn Độ có 35 di sản thế giới; Mexico có 34 di sản thế giới… Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào bởi Việt Nam được xem là một trong các quốc gia “giàu có” về di sản ở khu vực và châu Á.
Sở dĩ thống kê như vậy, để thấy, các nước trên thế giới đều rất xem trọng việc đề nghị UNESCO công nhận các di sản của họ. Cũng để phần nào giải tỏa cho những ý kiến còn nghi ngờ về danh hiệu mà chúng ta đang hướng đến. Và cũng để nhận thức rằng, danh hiệu là cần thiết, nhưng sau danh hiệu, việc phát huy lợi thế đó để đem lại giá trị cho vùng sở hữu di sản, cho người dân mới chính là cách gìn giữ di sản một cách bền vững nhất.
Những đóng góp của di sản vào sự phát triển kinh tế
Có thể nói, trong thời gian qua, các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu. Di sản không chỉ mang lại hiệu quả to lớn trong việc giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới mà còn giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Đặc biệt, thông qua hoạt động du lịch, di sản đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng.
![]() |
Vịnh Hạ Long - điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. |
Những con số biết nói từ du lịch di sản trong năm 2017 đã minh chứng cho điều đó. Cụ thể, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đón trên 3,6 triệu lượt khách, trong đó có 2,4 triệu lượt khách quốc tế; Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón 6,1 triệu lượt khách trong đó hơn 700 nghìn lượt khách quốc tế; Quần thể di tích Cố đô Huế đón 3 triệu lượt khách trong đó có trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, thu vé trên 320 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần so với năm 2011 - 80 tỷ); Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón 810 nghìn lượt khách trong đó 133 nghìn lượt khách quốc tế; Khu phố cổ Hội An đón 1,96 triệu lượt trong đó trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế; Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) đón trên 350 nghìn lượt khách trong đó trên 300 nghìn lượt khách quốc tế; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đón 309 lượt khách, Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) đón trên 106 nghìn lượt khách…
![]() |
Phố Cổ Hội An. |
Những đóng góp vào phát triển kinh tế của di sản văn hóa phi vật thể không thể đong đếm được như di sản vật thể (di sản văn hóa, di sản thiên nhiên) nhưng là yếu tố không thể thiếu, không thể tách rời. Nếu như di sản văn hóa vật thể là những hiện vật mang ý nghĩa lịch sử của đất nước, dân tộc trong quá khứ thì di sản văn hóa phi vật thể lại là những truyền thống văn hóa đang sống, trong đó chứa đựng phong tục tập quán và những trải nghiệm cuộc sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói một cách cụ thể, nếu di sản văn hóa vật thể là ngôi đình thì di sản văn hóa phi vật thể chính là nghi thức cúng lễ vị thành hoàng ở đình đó.
![]() |
Du khách tham quan Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam). |
Chúng ta cũng có thể hình dung, du khách đến với Huế, nếu chỉ khám phá các lăng tẩm, đền đài thì mới chỉ hiểu được một nửa về văn hóa truyền thống Huế. Nhưng sau khi khám phá lăng tẩm, đền đài, du khách đắm mình trong những khúc Nhã nhạc cung đình Huế, thưởng thức ẩm thực xứ Huế, mới phần nào trọn vẹn hiểu được giá trị văn hóa của mảnh đất này. Cũng như đặt chân đến Đất Tổ Phú Thọ, dâng nén hương lên đền Thượng tưởng nhớ công đức các Vua Hùng cũng mới chỉ là biết một nửa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt. Những làn điệu Xoan chính là làm đầy thêm giá trị của Tín ngưỡng tốt đẹp này của dân tộc.
Tiếp tục đưa vẻ đẹp văn hóa dân tộc vươn ra thế giới
Cùng với hiệu quả trong khai thác giá trị di sản, việc tiếp tục lập hồ sơ cho các di sản Việt Nam để UNESCO ghi danh chính là cách để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả. Trong thời gian tới, nhiều di sản sẽ được Việt Nam tiếp tục được xây dựng hồ sơ như Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang (Bắc Kạn - Tuyên Quang), Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh - Hải Phòng) gửi tới UNESCO đề nghị đưa vào Danh mục Dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới.
![]() |
Hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Namn" đã được trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. |
Di sản văn hóa phi vật thể gồm Hồ sơ Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được gửi tới UNESCO để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Triển khai xây dựng hồ sơ nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO năm 2019…
Rõ ràng, di sản văn hóa và thiên nhiên - những tuyệt tác nhân tạo và thiên tạo, hồn cốt của ông cha để lại là một nguồn tài nguyên vô tận. Nếu biết gìn giữ, phát huy, những di sản ấy sẽ đem lại giá trị kinh tế không nhỏ đồng thời góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra với thế giới.
Tác giả bài viết: Tùng Linh
Nguồn tin: langvietonline.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...