Đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học
Trong những năm học gần đây, thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Khánh Vĩnh đã đưa các giá trị văn hóa, NTTT lồng ghép trong các tiết học, giờ sinh hoạt ngoại khóa. Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn sử dụng các nhạc cụ, vật dụng trực quan để HS dễ dàng hình dung hơn. Việc làm này bước đầu đã mang đến những tín hiệu tích cực đối với việc dạy và học.
Theo lãnh đạo nhà trường, các thầy cô trong trường đã cố gắng tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện để giảng dạy cho HS. Bên cạnh đó, trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các già làng có uy tín để tổ chức truyền dạy, nói chuyện với HS về những loại hình NTTT của đồng bào Raglai, T’rin… trên địa bàn. Nhờ đó, HS của trường đã hiểu hơn cách đánh mã la, sử dụng một số nhạc cụ dân tộc, nắm bắt những điệu múa, lễ cưới, lễ bỏ mả, Tết mừng lúa mới… Thông qua những tiết học, những buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế, đã có nhiều HS chủ động tìm hiểu về văn hóa, NTTT.
Sau khi nghệ thuật bài chòi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài nội dung tập huấn tại các địa phương và phát hành ấn phẩm tài liệu, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị giáo dục để triển khai chương trình “Bài chòi với học đường” bằng hình thức sân khấu hóa. Thời gian dự kiến tổ chức trong tháng 10-2018. |
Việc đưa các bộ môn NTTT vào trường học thực tế đã diễn ra từ nhiều năm trước với việc thí điểm thực hiện dự án Sân khấu học đường theo chủ trương phối hợp của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại Khánh Hòa, từ năm 2001 đến 2017, Nhà hát NTTT tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp với một số trường THCS, THPT giới thiệu nghệ thuật tuồng, dân ca kịch bài chòi, hội chơi bài chòi dân gian cho HS. Tuy có những kết quả nhất định nhưng càng về sau, hoạt động này càng trở nên thưa thớt, nhất là từ năm 2010 đến nay.
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, trong năm học 2013 - 2014 có tổ chức truyền dạy sử thi Raglai cho HS Trường Dân tộc nội trú huyện, nhưng những năm học sau, việc làm này không còn được tiếp tục do thiếu kinh phí. “Dạy cho HS về NTTT mà năm dạy, năm không thì sau đó các em cũng quên hết. Tôi cho rằng việc làm này cần diễn ra lâu dài, bền bỉ với sự quan tâm đầu tư thích đáng cả về vật chất lẫn tinh thần”, Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến chia sẻ.
Cần quan tâm hơn
Khánh Hòa là địa phương có bề dày về các loại hình NTTT. Sân khấu tuồng, kịch hát bài chòi, hội chơi bài chòi, hò bá trạo, sử thi Raglai… từ lâu đã trở thành những món ăn tinh thần của người dân, nhưng hiện nay đứng trước nguy cơ mai một. Chính vì thế, để gìn giữ, phát huy giá trị, việc đưa NTTT vào môi trường học đường là rất cần thiết. Theo thầy Nguyễn Văn Tú - Trưởng khoa Nghệ thuật (Trường Đại học Khánh Hòa): “Nhiều địa phương trong cả nước đã có sự đầu tư cho việc đưa NTTT vào học đường. Vậy nên chăng, Khánh Hòa cũng cần có sự quan tâm đến vấn đề này một cách bài bản, quy mô hơn”.
Được biết, mới đây, Khoa Nghệ thuật đã xây dựng xong dự án về việc đưa NTTT vào trường học. Trong đó, thể hiện rõ những nội dung cần làm, vai trò, trách nhiệm của các bên. Nếu dự án nhận được sự quan tâm của Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo thì sẽ mở ra những kết quả khả quan trong vấn đề này.
Tác giả bài viết: Giang Đình
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...