'Đáy mắt' - Vở múa đáng mong đợi

Thứ ba - 14/08/2018 08:47
Tác phẩm múa “Đáy mắt” là một vở múa liền cảnh dài hơn một tiếng, thấm nhuần hơi thở múa đương đại, sẽ công diễn vào tối 19/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Các nghệ sĩ múa đang tập luyện tác phẩm “Đáy mắt”.
Với các tác phẩm những năm gần đây như “Từ trường” (2012), “Mái nhà” (2016), biên đạo múa Bùi Ngọc Quân cho khán giả thấy sự đa dạng của nghệ thuật múa đương đại. Mới đây, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã mời anh dàn dựng tác phẩm “Đáy mắt”.

Bùi Ngọc Quân là một biên đạo múa giàu kinh nghiệm, sinh sống tại châu Âu 21 năm nay. Đang làm việc ở nhà hát danh giá Les Ballets C de la B (Pháp), anh thường xuyên về chơi Việt Nam vào những dịp hè. “Ấn tượng nhất của tôi ngay khi bước xuống sân bay là sự lộn xộn. Một người từ nước ngoài trở về như tôi sẽ bị choáng ngợp!”, Quân chia sẻ. Thế nhưng, sự lộn xộn anh nhắc đến ở đây không phải điều tiêu cực, mà “vừa hay, vừa dở và mang đến sự tương phản rất thú vị” và nhờ đó có một “nét đẹp riêng”. Trên hết, chính tính hai chiều của chủ đề này đã cho anh những trăn trở để làm tác phẩm lần này.

Ồn ào, chen chúc nhau ở sân bay, trên đường phố, sự “lộn xộn” còn hiện hữu trong cả mối quan hệ bí bức và sự va chạm gay gắt giữa tập thể và cá nhân nằm trong đó. “Mối quan hệ trong gia đình thì gắn bó quá mức, trong khi ngoài xã hội mọi người lại quá thờ ơ với nhau”, Bùi Ngọc Quân suy nghĩ rất nhiều về bản chất cốt lõi của cuộc hỗn độn ngầm này. Nhưng dù nguyên do có nằm ở cá nhân hay tập thể, thì điều đáng báo động nhất là thái độ chấp nhận chung sống với sự lộn xộn đó. “Nếu không quan sát hoặc quá quen thuộc thì sẽ có nhiều thứ vô tình hay cố ý chúng ta sẽ lờ nó đi. Sự tảng lờ ấy chính là đề tài chính mà tôi muốn lấy để làm tác phẩm lần này”, Quân cho biết.

Ý tưởng cho vở múa trước đó tương đối khác biệt. Chủ yếu suy nghĩ và làm việc trong môi trường châu Âu, ban đầu anh suy nghĩ ý tưởng gốc cho tác phẩm với tư cách một người làm nghệ thuật chứ không phải một người Hà Nội. “Nhưng khi bắt đầu nhận được lời mời của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, tôi đã bỏ thời gian suy nghĩ nhiều hơn về việc thực hiện một cái gì đó liên quan đến xã hội này, thành phố này, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên và vẫn gắn bó chặt chẽ”.

Thấm nhuần hơi thở múa đương đại, một tác phẩm Bùi Ngọc Quân xây dựng thường dài ít nhất là 40 phút và lâu nhất có thể đến 1 tiếng rưỡi. Độ dài “ngoại lệ”, cùng tư duy làm việc ít thiên về kỹ thuật nhưng đặt nặng tính cá nhân của bản thân mỗi vũ công khi biểu diễn khiến cho quá trình bốn tuần tập luyện diễn ra tương đối khó khăn. Bảy diễn viên múa tham gia tác phẩm lần đầu không còn làm việc theo phong cách “đạo diễn bảo sao làm vậy” mà phải tự đi tìm tiếng nói cho riêng mình, học cách hiểu nội tâm và điều khiển cơ thể phản ánh được tính nội tâm đó. Đồng thời, các nữ nghệ sĩ cũng phải rèn luyện thể lực tương đối gắt gao để đáp ứng được nhu cầu của vở diễn.

Là sự giao thoa giữa một nhà hát dày dặn lịch sử, một biên đạo múa giàu kinh nghiệm và một phong cách nghệ thuật đương đại rất tươi mới, “Đáy mắt” hứa hẹn sẽ là một vở múa đáng mong đợi nhất của tháng 8 này.

Tác giả bài viết: Nhật Nam

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây