Công tác dân số ở Khánh Sơn: Phát huy vai trò già làng

Thứ ba - 29/05/2018 08:36
Thời gian qua, ngành Dân số huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã phát huy tốt vài trò của già làng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) thực hiện tốt chính sách dân số. Nhờ vậy đã hạn chế được các hủ tục lạc hậu, từ đó cuộc sống của người dân dần được cải thiện.

Già làng làm cộng tác viên dân số

Hiện tại, huyện Khánh Sơn có khoảng 30 già làng, người có uy tín trong cộng đồng, được ĐBDTTS tín nhiệm. Già làng Cao Văn Nhịp (65 tuổi, thị trấn Tô Hạp), người dân tộc Raglai cho biết, chứng kiến cuộc sống nghèo khó, thất học của đồng bào dân tộc Raglai do sinh đông và được chính quyền địa phương vận động nên ông đã tình nguyện làm cộng tác viên dân số, tham gia vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Trong suốt thời gian làm, ông đã trăn trở tìm cách để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phong tục lỗi thời. Ông chia sẻ: “Muốn người dân hiểu, tin và làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước thì bản thân già làng phải thật sự gương mẫu trong tất cả các phong trào ở địa phương. Con cháu mình cũng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng chính sách dân số thì người dân sẽ nghe mình nói”.

Già làng Cao Văn Nhịp vận động người dân giảm sinh.

Từng là trưởng thôn kiêm cán bộ Mặt trận, hơn 10 năm qua, già làng Cao Văn Nhịp cùng với cán bộ dân số, những người có uy tín tại địa phương đã đến từng hộ ĐBDTTS để tích cực vận động, kêu gọi thực hiện giảm sinh, phát triển kinh tế. Dần dần, người dân thay đổi nhận thức, hiểu được lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ, số người sử dụng các biện pháp tránh thai ngày một tăng. Tại thị trấn Tô Hạp, năm 2017, người dân thực hiện KHHGĐ đạt hơn 90%.   

Gia đình chị Mấu Thị Hào (thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) cho biết, nhờ sự vận động của già làng Nhịp, gia đình chị đã thực hiện KHHGĐ, chỉ sinh 2 con để tập trung làm ăn. Tuy chỉ làm nương rẫy nhưng cuộc sống gia đình chị ổn định, con cái đều được học hành đầy đủ. Cùng thôn với chị Hào, chị Mấu Thị Nếp cũng cho hay: “Khi sinh cháu thứ 2 được 6 tháng, già làng Nhịp đến nhà gọi tôi ra cơ sở y tế cấy tránh thai miễn phí nhân có đoàn y, bác sĩ về huyện. Vợ chồng tôi còn được già làng hướng dẫn vay vốn trồng rừng, trồng mía nên có điều kiện lo cho con đi học, xây nhà, mua sắm ti vi, xe máy”.

Kết quả tích cực

Bà Trần Nguyễn Thúy Vân - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, đối với công tác dân số, già làng giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ để giảm sinh, giảm đói nghèo, đặc biệt là tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Phát huy vai trò quan trọng đó, hàng năm, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đều tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông vận động, cung cấp kiến thức dành cho già làng, trưởng tộc, người có uy tín. Nhờ vậy, thời gian qua, việc triển khai Nghị định 39 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số, Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại các xã khó khăn, xã có mức sinh cao… có nhiều thuận lợi, được đông đảo người dân tích cực tham gia.

Nhờ phát huy tốt vai trò của già làng trong công tác vận động giảm sinh, năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên toàn huyện giảm 1,05%, đạt 105% kế hoạch; tổng số cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai mới đạt 103% kế hoạch. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn giảm đáng kể, trong năm chỉ có 10 trường hợp tảo hôn, giảm 33 trường hợp so với năm 2016 và chưa phát hiện trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2011, bình quân số con của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 3,7 con; đến năm 2017 giảm còn 2,6 con.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho đồng bào DTTS tại Khánh Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi địa bàn xa xôi, nhận thức của một số người dân chưa cao, giảm sinh chưa bền vững, chất lượng cuộc sống người dân còn thấp. Vì thế trong thời gian tới, ngành Dân số huyện tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động duy trì giảm sinh, thực hiện nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp, phát huy tốt hơn nữa vai trò của già làng, những người có uy tín trong cộng đồng, tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức mới để họ tiếp tục đóng góp vào công tác dân số trong tình hình mới.

Tác giả bài viết: Thiết Trang

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây