Sáng 19/4, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chiếu hai trích đoạn cho một số cơ quan và báo chí. “Đây là những thước phim sinh động, xác thực của nước ngoài về Việt Nam và đặc biệt chưa từng công bố”, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Khoa học & Công nghệ Văn thư-Lưu trữ (KHCN VT-LT) nói.
Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn là phim màu đang bảo quản tại Viện phim Quốc gia Pháp do Jean-Pierre Moscardo đạo diễn, sản xuất năm 1975 với thời lượng 60 phút 44 giây. Bộ phim miêu tả những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam: Cuộc chiến ngày 27, 28/4/1975, hình ảnh người dân di cư trốn chạy, khung cảnh Sài Gòn những ngày đầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Trong số nhân vật xuất hiện trong phim, đạo diễn phỏng vấn bà Nguyễn Ngọc Dung (Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam).
Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin là phim đen trắng hiện được bảo quản tại Viện Lưu trữ Tài liệu Phim ảnh quốc gia Nga, do Xưởng phim Thời sự tài liệu trung ương Nga sản xuất năm 1976. Phim dài 30 phút 20 giây. Hồ Chủ tịch xuất hiện trong quá trình lập nước, các hoạt động vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam - Liên Xô. Khán giả thấy Bác Hồ xuất hiện trong các chuyến thăm cấp cao, tiếp xúc nhân dân Liên bang Nga và các nước thành viên, hay phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Ông Hoàng Trường, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, Cục VT-LT là cơ quan thường trực của Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam. Từ năm 2012, thực hiện quyết định của Thủ tướng, Cục cử nhiều đoàn khảo sát, thống kê và sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Đức, Bỉ. Lãnh đạo Trung tâm kể lại, sau khi xem danh mục và bản tóm tắt các bộ phim lưu trữ liên quan đến Việt Nam, đoàn khảo sát thuyết minh và trình hội đồng để mua bản sao và bản quyền sử dụng hai bộ phim này từ năm 2015. Từ năm 2016, Cục phối hợp với Viện phim Việt Nam làm hậu kỳ để chuẩn bị cho đợt công chiếu sắp tới.
“Với hai phim này, thế hệ trẻ không được chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại sẽ có cơ hội tiếp cận góc nhìn của người nước ngoài. Những hình ảnh sinh động và chân thực giúp khán giả hình dung khung cảnh miền Nam sau ngày thống nhất”, bà Nguyễn Thị Hà nói. Đạo diễn Pháp Jean-Pierre Moscardo ghi lại khung cảnh chiến đấu, phút giây lịch sử ở Dinh Thống Nhất, dòng người tị nạn ùn ùn trên đường phố và vây kín trước cổng Đại sứ quán Mỹ, hay cảnh giật đổ tượng Thuỷ quân lục chiến Việt Nam Cộng hoà.
“Bộ phim là cái nhìn toàn diện về các sự kiện diễn ra trong thời điểm 30/4/1975, cũng như hoạt động của nhân dân ở TPHCM kèm với bình luận theo quan điểm của người Pháp. Từ sau 1975 có nhiều phim, tư liệu kể cả ảnh báo chí của các hãng thông tấn báo chí hoạt động ở Sài Gòn và miền Nam Việt Nam, nhưng đều thuộc bản quyền của họ. Chúng ta chưa có phim nào do người nước ngoài cung cấp về giai đoạn 1975. Chính vì vậy tư liệu này rất quý giá, không chỉ đối với sự kiện năm 1975 mà còn có ý nghĩa thời sự cho tới ngày nay. Những thước phim này cũng giống như bộ nhớ, ký ức của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng”, ông Hoàng Trường, Phó Cục trưởng Cục VH-LT Nhà nước nói.
Được biết, hai phim này được giữ trọn vẹn về thời lượng và “không có vấn đề gì phải cắt bỏ nội dung trong quá trình làm hậu kỳ”.
Bà Hà cũng cho rằng hai bộ phim góp thêm hai góc nhìn thú vị và đầy đủ hơn về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử của Việt Nam. Trong phim về Bác Hồ thì là tình cảm của những người làm phim, của đất nước Lê-nin đối với Bác. Phim về sự kiện 30/4/1975 cũng có những hình ảnh và bình luận khách quan của người ngoài cuộc. Đạo diễn Jean-Pierre Moscardo trò chuyện với nhóm học sinh sinh viên dọn rác trên đường phố Sài Gòn sau thống nhất, rồi ông bình: “Rác rưởi của quá khứ là hình ảnh mang tính thực tế vừa mang tính biểu trưng”. Hoặc đoạn cuối phim cũng đặt câu hỏi: Liệu những người chiến thắng có đủ tỉnh táo để không vội vàng đưa Sài Gòn vào khuôn phép? Với những câu hỏi như thế không nên vội vàng tìm câu trả lời.
Công chiếu trên truyền hình
Đại diện Cục VT-LT Nhà nước cho biết làm việc với Đài THVN phát sóng phim Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn dịp nghỉ lễ 30/4, phim Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin dự kiến phát sóng trong tháng 5.
Lãnh đạo Cục cũng cho biết đến nay lập danh mục hơn 4.000 hồ sơ tài liệu, hơn 6.200 trang tài liệu điện tử và nhiều trang tài liệu quý hiếm khác ở khắp trong và ngoài nước. Một trong những tiêu chí để được coi là tài liệu quý hiếm là chưa được công bố tại Việt Nam và có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia.
Nguồn tin: www.tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...