Cơn bão thứ 16 chưa từng có tiền lệ
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, vào lúc 7 giờ ngày 23-12, vị trí tâm bão Tembin (bão số 16) cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 320km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm, như vậy khoảng đêm nay (23/12), bão Tembin sẽ vượt qua Philippin và đi vào Biển Đông. Đến 7 giờ ngày 24-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 380km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Theo cơ quan chức năng, năm 2017 sẽ trở thành năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào nước ta, với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp nhiệt đới. Bão Tembin chính là cơn bão số 16, điều chưa từng có trong tiền lệ thiên tai ở nước ta.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, triển khai công tác chuẩn bị ứng phó một cách quyết liệt nhất. Đưa công tác ứng phó bão Tembin là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng nhất của toàn hệ thống chính trị hiện nay. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác thông tin, dự báo, truyền thông về cơn bão một cách liên tục, kịp thời. Thông tin phải đến được với toàn dân, nhất là vùng đảo, vùng sâu, cùng xa.
Đây là một trong những giải pháp pháp vô cùng quan trọng, nhân dân phải được nắm bắt để cùng với chính quyền ứng phó. Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng, tuyên truyền về cơn bão này để người dân nắm bắt.
"Đây là cơn bão đặc biệt, khác thường, chưa từng có. Khi hình thành vào mùa Đông thì tốc độ di chuyển nhanh và hướng di chuyển liên tục thay đổi. Dự báo bão Tembin sẽ cập bờ Việt Nam ở khu vực phía Nam vào chiều tối 25 đến rạng sáng 26-12. Hoàng lưu bão rất rộng, kéo dài từ Quảng Nam đến Cà Mau. Đây lại đang là mùa hoạt động sôi động nhất của tàu thuyền trên biển. Cùng với đó, vị trí bão dự kiến sẽ nằm ở khu vực Nam bộ. Đây là vùng bằng phẳng, mức độ tàn phá sẽ nặng nề hơn. Chưa kể đây còn là vùng trọng điểm về nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Vì thế, khi bão mạnh đổ bộ vào, kèm theo mưa lớn, sóng biển cao, lại trúng vào khu vực có quy mô kinh tế, đặc điểm dân cư hướng biển, nên mức độ tổn thất là vô cùng lớn". – ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Khánh Hòa chủ động ứng phó
Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa, hiện mực nước và dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều đạt hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường, dung tích trung bình các hồ chứa đều đạt từ 80% đến 90%. Để chủ động ứng phó bão Tembin, Ban chỉ huy PCTT và TKCN đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để tiếp tục điều tiết và tích nước hợp lý vừa đảm bảo an toàn công trình vừa đủ nước phục vụ sản xuất, đồng thời hạn chế ngập lụt vùng hạ du. Thường xuyên báo cáo tình hình diễn biến các hồ chứa nước trên địa bàn về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Để chủ động ứng phó bão Tembin có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Khánh Hòa, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã thông báo và thông tin về tình hình diễn biến của bão Tembin đến các địa phương và đơn vị liên quan để chủ động triển khai công tác phòng chống, đồng thời đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Chiều tối 22-12, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có công điện chỉ đạo các sở, ngành, địa phương: Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, tình hình gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 đến 48 giờ tới từ 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông và sẽ được điều chỉnh tại các bản tin tiếp theo của cơ quan dự báo), trong đó đặc biệt chú ý đối với các tàu thuyền có công suất nhỏ.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường lực lượng kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu vực neo đậu quanh các đảo để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên các đảo nhất là khách quốc tế. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho các công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản có nguy cơ ảnh hưởng do nước dâng, triều cường và gió mạnh. Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa: Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để chủ động điều tiết, xả lũ trước để hạ mực nước hồ nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Đài thông tin Duyên hải Nha Trang, các cơ quan thông tấn báo chí và các địa phương thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão; tăng cường tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
2 tàu cá của Khánh Hòa đang bị nạn trên biển
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện tỉnh Khánh Hòa có 139 tàu cá/ 801 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển ven bờ, cụ thể: Khu vực ven biển Khánh Hòa có 93 tàu/372 thuyền viên; Khu vực biển Ninh Thuận, Bình Thuận có 20 tàu/201 thuyền viên; Khu vực biển Trường Sa có 7 tàu/58 thuyền viên; Khu vực biển Hoàng Sa có 4 tàu/35 thuyền viên; Khu vực phía Nam có 15 tàu/135 thuyền viên. Hiện các tàu cá hoạt động trên các vùng biển nắm được thông tin cơn bão Tembin và có kế hoạch chủ động phòng tránh, số tàu cá còn lại neo đậu tại bến.
Cũng theo cơ quan chức năng, từ ngày 18-12 đến nay, do ảnh hưởng của bão số 15 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, cùng với không khí lạnh tăng cường nên có một số tàu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bị nạn, cơ quan chức năng đã tiếp nhận thông tin có 6 phương tiện, 44 người của Khánh Hòa đã xảy ra tai nạn trên biển. Tính đến trưa ngày 23-12, 4 trong số 6 tàu cá này đã được các đơn vị chức năng tiếp cận, lai dắt vào khu vực an toàn, sức khỏe thuyền viên ổn định. Hiện chỉ còn 2 tàu cá đang được các cơ quan chức năng phối hợp tập trung tìm kiếm cứu nạn.
Cụ thể: Lúc 8 giờ ngày 21-12, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh nhận được tin báo: Tàu cá KH97768TS có 13 lao động, chủ là Huỳnh Thị Luyện, trú Tổ 6 Hà Ra, Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa, đang ở tại tọa độ 05050’N-110040’, bị hỏng bánh lái và đang thả trôi. Hiện tàu cá KH97768 không khắc phục được, xung quanh không có tàu nào, thuyền trưởng đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chỉ đạo đài canh đơn vị phát thông tin để liên lạc với thuyền trưởng nắm tình hình, kịp thời xử lý; thông báo cho các lực lượng hiệp đồng biết phối hợp xử lý; chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang tiếp tục liên lạc với người nhà của tàu có thuyền viên bị nạn để nắm tình hình, kịp thời báo cáo Bộ Chỉ huy xử lý. Hiện vụ việc đang được Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Vũng Tàu MRCC) giải quyết.
Lúc 13 giờ ngày 21-12, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh nhận được tin báo: Tàu cá KH97236TS có 10 lao động, chủ là Văn Minh Thiệt (1981), trú Tổ 7 Hà Ra, Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa, đang ở tại tọa độ 09054’N-108050’E, cách đảo Phú Quý khoảng 38 hải lý về hướng Nam Tây Nam, bị mất liên lạc. Thuyền trưởng đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chỉ đạo đài canh đơn vị phát thông tin để liên lạc với thuyền trưởng nắm tình hình, kịp thời xử lý; thông báo cho các lực lượng hiệp đồng biết phối hợp xử lý; chỉ đạo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang tiếp tục liên lạc với người nhà của tàu có thuyền viên bị nạn để nắm tình hình, kịp thời báo cáo Bộ Chỉ huy xử lý.
Tác giả bài viết: Hồng Đăng
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...