Vùng cao khởi sắc

Thứ ba - 27/08/2019 11:23
Với việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng phát triển. Diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống của đồng bào các DTTS nâng lên rõ rệt...

Diện mạo mới

Đến các vùng miền núi, vùng có đông ĐBDTTS sinh sống hôm nay, cảm nhận chung của nhiều người chính là diện mạo đổi thay từng ngày. Hệ thống đường giao thông đã được cứng hóa đến tận từng thôn làng, khu sản xuất. Cơ sở vật chất các lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, ngày càng khang trang, sạch đẹp. Điện lưới quốc gia đã được kéo về hầu hết các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Đa số các hộ ĐBDTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… “Những năm gần đây, đời sống của gia đình tôi cũng như bà con nơi đây ngày càng đổi thay. Người ốm đau được chữa bệnh ở cơ sở y tế, không phải đi chữa thầy lang nữa. Trẻ con lớn lên được đi học, nhà nào cũng có điện để xem ti vi, nghe đài. Đến mùa thu hoạch, xe đến tận nương chở nông sản về nhờ có đường bê tông”, ông Cao Văn Trường (thôn Du Oai, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) cho biết.

ks
Trung tâm thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

Ở huyện Khánh Sơn, toàn huyện có 98% hộ ĐBDTTS được phủ kín điện lưới quốc gia; có 100% đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được bê tông cứng hóa; 100% xã, thị trấn có trường mầm non, trường tiểu học. “Kết quả đó đến từ việc kiên trì thực hiện các chính sách, chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS của các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận và sự hưởng ứng, tham gia tích cực về mọi mặt của các tầng lớp nhân dân”, ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.

Theo ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, từ năm 2014 đến nay, diện mạo của địa phương đã có sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Tốc độ phát triển KT-XH tăng nhanh hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, kết cấu hạ tầng được cải thiện, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nhà cộng đồng... được xây dựng ở hầu hết các xã trên địa bàn. Cơ sở vật chất và năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp và ngày càng được nâng cao.
 

ks1
Một góc thị trấn Khánh Vĩnh

Ở các địa phương khác như: thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm, huyện Diên Khánh..., vùng ĐBDTTS cũng đổi thay từng ngày. Nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng, nhiều mô hình phát triển kinh tế trồng trọt, chăn nuôi được nhân rộng và đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Theo ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, từ năm 2014 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung các chương trình phát triển KT-XH trọng điểm. Các chính sách về phát triển KT-XH được thực hiện tốt, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước thay đổi, một số vùng đã đi vào sản xuất hàng hóa như: ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.

Đầu tư để phát triển bền vững

Để từng bước nâng cao đời sống của ĐBDTTS, phát triển KT-XH vùng miền núi, tỉnh đã ban hành và thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai chương trình, tỉnh đã mở 147 lớp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật tại các xã vùng DTTS và miền núi, với hơn 6.700 lượt người tham dự; hỗ trợ 1.181 hộ thực hiện các mô hình sản xuất với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng; mở 12 lớp khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn đồng bào về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức cho 120 ĐBDTTS sản xuất tiêu biểu đi tham quan, học tập mô hình trồng tiêu, cà phê, cam, quýt xen canh, nuôi bò thịt, trồng rau an toàn, trồng măng tre... Tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng 775 mô hình sản xuất cho hộ DTTS nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng.

ks2
Trường Tiểu học Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) được xây dựng khang trang.

Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 28 giếng khoan, 33 giếng đào và 11 bể chứa lắng lọc cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào; hỗ trợ lắp đặt đường ống, đồng hồ nước cho 1.555 hộ với tổng kinh phí 8,2 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 172 nhà cho ĐBDTTS nghèo với kinh phí hơn 2 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 1.610 lao động là người DTTS. Bên cạnh đó, xây dựng 16 tuyến đường vào khu sản xuất, tạo điều kiện lưu thông, phát triển sản xuất cho đồng bào với tổng vốn đầu tư hơn 79,3 tỷ đồng; thực hiện lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới, đã đầu tư 48 công trình giao thông, trường học, văn hóa, chợ nông thôn, khu sản xuất, nước sạch... tại 36 xã với tổng vốn hơn 37,1 tỷ đồng. “Qua việc thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi đã đầu tư xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Các tuyến đường vào khu sản xuất tập trung của đồng bào đã được quan tâm xây dựng, tạo thuận lợi cho việc đi lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Đắc Tài cho biết.

Cùng với đó, vùng ĐBDTTS, miền núi của tỉnh còn được thụ hưởng các chương trình phát triển KT-XH khác. Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020: đã đầu tư hơn 19,2 tỷ đồng xây dựng 25 công trình nước sinh hoạt, giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, trung tâm văn hóa xã, trường tiểu học; duy tu bảo dưỡng 35 công trình với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 900 hộ DTTS nghèo và cận nghèo phát triển sản xuất với kinh phí 9,1 tỷ đồng... Chương trình 135 đã giúp tăng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các chính sách như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi... cũng đã mang đến những kết quả tích cực trong mọi mặt đời sống KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, cũng như triển khai cụ thể để hướng đến sự đổi thay bền vững, tích cực của vùng ĐBDTTS, miền núi.

Khánh Hòa có 34 DTTS sinh sống với dân số 72.782 người. Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Raglai (chiếm 75,86%), T’rin (7,78%), Ê Đê (5,44%), Hoa (4,14%), Tày (2,69%), Nùng (1,62%) và các dân tộc khác (2,46%). Cộng đồng các DTTS sống tập trung ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã, phường thuộc các huyện, thị xã, thành phố khác. ĐBDTTS chủ yếu sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ. Năm 2018, thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 12 triệu đồng/người/năm.
__________________________________________

Đến năm 2024, tỉnh phấn đấu mức thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4 - 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay; lao động qua đào tạo hơn 70%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định hơn 90%; 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông; 75% xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; hơn 90% cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng kiến thức dân tộc; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; 100% hộ ĐBDTTS được sử dụng điện lưới quốc gia.

Tác giả bài viết: GIANG ĐÌNH

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây