Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc

Thứ tư - 20/03/2019 08:51
Được tổ chức trên toàn thế giới vào ngày 20/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc (Ngày Hạnh phúc) nhằm tôn vinh, phát triển và nâng cao hạnh phúc hiện đã trở thành một ngày quan trọng đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hiện có 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc chọn ngày 20/3 để tôn vinh niềm hạnh phúc

Nguồn gốc ra đời
Ngày Quốc tế Hạnh phúc ban đầu được nghĩ đến bởi Jayme Illien - chuyên gia Liên Hợp Quốc vào năm 2011. Vào ngày 28/6/2012, Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) đã được thông qua trong nghị quyết 66/281 của Liên Hợp Quốc.
Trong cuộc họp phát động Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khi đó là ông Ban Ki Moon phát biểu: "Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của 3 yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển bền vững. 3 yếu tố đó gồm: Xã hội - Kinh tế - Môi trường. Nếu làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc".

Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy ý tưởng của Quốc vương Bhutan về sự thịnh vượng xã hội thông qua các chỉ số hạnh phúc quốc gia. Đây là sự khác biệt với các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất như thường thấy. Các chỉ số được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực... Bởi vậy, ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Từ khi ra đời đến nay có 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc chọn ngày này để tôn vinh niềm hạnh phúc, và với mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc tại Việt Nam
Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Việt Nam là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Theo đó, năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Theo tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, Việt Nam là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 (2018 World Happiness Report) của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc, Việt Nam lại đứng thứ 95 trong bảng xếp hạng.
 
210512quoctehp190316
Ảnh minh họa

Hoạt động Ngày Quốc tế Hạnh Phúc tại Việt Nam năm 2019
Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2019 có chủ đề "Yêu thương và Chia sẻ" với các khẩu hiệu: Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên…

Thời gian tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc tập trung cao điểm từ ngày 15 - 20/3/2019. Nhiều tỉnh thành trên cả nước hưởng ứng triển khai với các hoạt động như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; tuyên truyền trên bảng tin cộng đồng chủ đề và thông điệp của Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc tại trụ sở cơ quan, trường học, nơi công cộng, nơi đông dân cư;

Ưu tiên tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ tới các cá nhân, gia đình, cộng đồng khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo…;
Tổ chức mít tinh, các chương trình văn hóa, nghệ thuật, du lịch, hoạt động thể dục, thể thao. Khuyến khích các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng, các hoạt động tham quan, du lịch, vui chơi giải trí, miễn phí, giảm phí cho người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em...;

Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn về chủ đề hạnh phúc (hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc học đường...);
Tổ chức lễ cưới tập thể cho các cặp đôi nam nữ thanh niên theo quy định đảm bảo văn minh, tiết kiệm; vinh danh các cặp vợ chồng cao tuổi tiêu biểu hạnh phúc bền vững...

 

Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) là chỉ số do NEF (New Economics Foundation - một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh) công bố. Kết quả dựa vào các số liệu chọn lọc từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các số liệu do chính NEF điều tra. 

Chỉ số này nói lên mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường, do vậy đây không phải là chỉ số thuần túy đo hạnh phúc của quốc gia, điều này có nghĩa là một nước có chỉ số HPI cao chưa chắc đã là nước hạnh phúc thực sự mà có thể chỉ vì họ không khai thác quá nhiều tài nguyên.

Tác giả bài viết: NGUYỄN KHÁNH (TỔNG HỢP)

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây