Tại buổi làm việc, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn đã báo cáo với đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy một số nét chính trong phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng của huyện năm 2019, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020; công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp trên địa bàn.
Theo đó, về phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, địa phương đã tập trung nguồn lực, khai thác lợi thế về đất đai để tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2017 đến nay đã chuyển đổi được 1.232ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm… Đến nay, toàn huyện có 1.555ha cây hàng năm và 3.194ha cây lâu năm, sản lượng các loại cây trồng chủ lực hàng năm đạt hơn 8.100 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm là 26.742 con; diện tích rừng trồng hiện có hơn 2.217ha…; các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm; quốc phòng an ninh được giữ vững; an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình xây dựng nông thôn mới… được người dân hưởng ứng tích cực; qua đó đã góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn miền núi. Về xây dựng Đảng, cấp ủy địa phương đã nghiêm túc quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy; tổ chức học tập, nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trong đó trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 6, 7, 8 (Khóa XII) của Đảng. Địa phương còn tăng cường công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng; phát triển đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp được 313 đảng viên mới; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo đúng quy trình, quy định… Về chuẩn bị đại hội đảng các cấp và đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, Huyện ủy Khánh Sơn đã thành lập 3 tiểu ban giúp việc chuẩn bị đại hội; chọn đảng bộ xã Sơn Bình để tổ chức đại hội điểm…
Năm 2020, bên cạnh lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, Huyện ủy Khánh Sơn còn tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đại hội huyện đảng bộ lần thứ XIV; xây dựng các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng giai đoạn 2020-2025; tổ chức tốt đại hội đảng ở cơ sở và đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV…
Huyện ủy Khánh Sơn kiến nghị lãnh đạo tỉnh có ý kiến với Trung ương xem xét giải quyết một số vấn đề liên quan đến cấp nước sinh soạt và nước tưới phục vụ sản xuất; mở một số tuyến đường để phá thế độc đạo của Khánh Sơn; chưa thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện đối với Khánh Sơn. Đối với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, địa phương kiến nghị xem xét tháo gỡ một số khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy lợi; hỗ trợ địa phương phát triển du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng… Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã giải đáp, hướng dẫn thực hiện một số nội dung kiến nghị của địa phương liên quan đến thẩm quyền của tỉnh.
Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các kiến nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn tại buổi làm việc là rất chính đáng, giải quyết được những vấn đề này sẽ giúp huyện miền núi Khánh Sơn phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lê Hữu Hoàng lưu ý địa phương cần phát huy thành công của lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ 1, xây dựng nhãn hiệu trái cây đặc sản của địa phương. Để hỗ trợ nông dân trên địa bàn, ông đề nghị UBND huyện Khánh Sơn phối hợp với Sở Công Thương, các hiệp hội doanh nghiệp kết nối, thu mua nông sản cho người dân. Trong tổ chức sản xuất, cần phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để người dân liên kết sản xuất quy mô lớn… Ngoài ra, việc đầu tư các tuyến đường để phá thế độc đạo của Khánh Sơn, kết hợp phát triển du lịch cũng cần được tính toán, nghiên cứu…
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Định đánh giá, Khánh Sơn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, giàu truyền thống văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện địa lý bị chia cắt, đây là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những năm qua Khánh Sơn đã không ngừng vươn lên. Năm 2019, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đã đề ra; các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm đã tạo được chuyển biến mới trên địa bàn. Đặc biệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả; tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương còn lớn, cho thấy đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, địa phương cũng đạt được nhiều kết quả tích cực; việc chuẩn bị đại hội đảng các cấp cũng được chỉ đạo thực hiện khẩn trương, theo đúng hướng dẫn…
Năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý nhiệm vụ của địa phương sẽ rất nặng nề, vừa lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vừa chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp. Ông Nguyễn Khắc Định yêu cầu ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn, tiếp tục tăng cường đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm tới. Đối với các kiến nghị của địa phương liên quan đến việc đầu tư xây dựng các tuyến đường để phá thế độc đạo giúp kết nối, giao thương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc xây dựng tuyến đường nối Khánh Sơn với huyện Bác Ái (Ninh Thuận) là khả thi; tuyến đường nối Khánh Sơn với huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) không khả thi; đối với tuyến đường nối Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh, UBND tỉnh cần nghiên cứu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, vừa kết hợp phát triển du lịch. Lãnh đạo tỉnh cũng đồng ý với kiến nghị của địa phương về việc kiến nghị Trung ương chưa sáp nhận huyện Khánh Sơn trong giai đoạn này, bởi lý do đặc thù. Đối với các kiến nghị cụ thể đã được lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh giải đáp, cơ bản thống nhất với đề nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn, ông Nguyễn Khắc Định chỉ đạo Văn Phòng Tỉnh ủy ngay sau buổi làm việc có thông báo ý kiến kết luận của Bí thư Tỉnh ủy; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc các sở, ngành có liên quan giải quyết các ý kiến, kiến nghị để hỗ trợ Khánh Sơn phát triển trong thời gian tới…
Sáng cùng ngày (14-12), Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định đã đến thăm Trường Trung học cơ sở Tô Hạp; thăm, tặng quà một số gia đình chính sách tại thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Trung; thăm mô hình sản xuất của hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Sơn Bình. Cùng đi có ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đến thăm Trường Trung học cơ sở Tô Hạp, ông Nguyễn Khắc Định đã động viên nhà trường nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định ghi nhận những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải sau 3 năm tách ra từ Trường Phổ thông dân tộc nội trú Khánh Sơn. Đối với các ý kiến, kiến nghị của nhà trường, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét việc di dời Trường Trung học cơ sở Tô Hạp về nơi mới để đảm bảo cho việc dạy và học; vận động xã hội hóa để hỗ trợ dụng cụ dạy và học cho nhà trường. Đối với nhà ở cho giáo viên, ông Nguyễn Khắc Định gợi ý Công ty Cổ phần Đầu tư VCN khảo sát, nghiên cứu xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với địa bàn Khánh Sơn để tạo điều kiện về nơi ở ổn định cho các giáo viên, công chức, viên chức trên địa bàn còn khó khăn về nơi ở.
Dịp này, Công ty Cổ phần Đầu tư VCN đã hỗ trợ cho Trường Trung học cơ sở Tô Hạp 200 triệu đồng để sửa chữa cơ sở vật chất.
Đến thăm gia đình các thương binh, người có công với cách mạng gồm: gia đình ông Bo Bo Linh, gia đình ông Mấu Nhớ, gia đình ông Bo Bo Thanh (thị trấn Tô Hạp) và gia đình bà Cao Thị Ba; gia đình ông Lê Thanh Đạm (xã Sơn Trung), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống của các thương binh, người có công với cách mạng; động viên các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng Khánh Sơn ngày càng giàu đẹp. Ông cũng lưu ý chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo tốt cho các gia đình chính sách trên địa bàn.
Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Định còn đến thăm mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao của hộ ông Cao Hoàng Giáo (hộ đồng bào dân tộc thiểu số Raglai tại xã Sơn Bình). Đây là mô hình trồng cây ăn quả sử dụng nước tưới tiết kiệm. Trên diện tích 7ha, gia đình ông Giáo đã trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, quýt đường… Hiện nay, quýt đường đang cho thu hoạch, dự kiến năm nay gia đình ông thu hoạch khoảng 50 tấn quýt, cộng với một số diện tích sầu riêng đã cho thu hoạch trước đó, năm nay gia đình ông Cao Hoàng Giáo thu nhập hơn 750 triệu đồng.
Ông Nguyễn Khắc Định đánh giá cao hiệu quả của mô hình sản xuất này, đồng thời lưu ý chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ về kỹ thuật canh tác để tăng năng suất, chất lượng cây trồng; đồng thời hỗ trợ nông dân trong việc ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản…
Tác giả bài viết: HẢI LĂNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ảnh: Hồ Quốc Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...