Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số: Câu chuyện dài

Thứ sáu - 29/03/2019 10:04
Tuy ngành Văn hóa đã có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng để đạt kết quả như mong muốn vẫn còn nhiều khó khăn.

Nỗ lực gìn giữ

Để các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không bị biến mất theo thời gian, ngành Văn hóa và các địa phương đã triển khai thực hiện hàng loạt đề án, kế hoạch, dự án, mô hình về bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS, nhất là đối với dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin. Nhờ đó đến nay, hàng trăm bộ mã la, cồng chiêng, trống, ché, đồ dùng sinh hoạt… của đồng bào đã được gìn giữ trong nhà dân hoặc ở các nhà truyền thống. Sở Văn hóa và Thể thao đã trang bị 81 bộ mã la cho 81 thôn, tổ dân phố trong tỉnh. Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được hơn 300 hiện vật có giá trị về đồng bào DTTS ở Khánh Hòa. Riêng tại huyện Khánh Sơn hiện đang có 92 bộ mã la với 622 chiếc thuộc sở hữu của các gia đình, thôn xóm.

Tiết mục mô phỏng nghi thức trong lễ ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai ở Khánh Sơn. (Ảnh minh họa)

Về văn hóa phi vật thể, nổi bật nhất là việc phục hồi các lễ hội của đồng bào như: lễ cúng bến nước của người Ê đê (thị xã Ninh Hòa), lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai, nghệ thuật trình diễn đàn đá, nghệ thuật trình diễn sử thi (huyện Khánh Sơn). Trong đó, lễ bỏ mả của người Raglai đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, các nghi lễ như: lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Ê đê, nghi lễ cưới hỏi của người T’rin cũng đang được nghiên cứu, tìm hiểu.

Đến nay, toàn tỉnh có 4 nghệ nhân người DTTS được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Sở Văn hóa và Thể thao, các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm đã mở được nhiều lớp dạy tiếng nói, chữ viết đồng bào Raglai với hàng trăm lượt cán bộ, công chức, giáo viên, bác sĩ tham gia. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ để thu hút đồng bào DTTS tham gia. Thông qua đó, những giá trị văn hóa của đồng bào được trình diễn và đó cũng là cơ hội để mọi người giao lưu, học hỏi về những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. “Những kết quả đạt được trong nỗ lực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh rất khả quan. Nó thể hiện sự quan tâm của các ngành, địa phương trong việc triển khai các chương trình, chính sách. Đồng bào các DTTS đã có sự đồng thuận, nhất trí cao trong nỗ lực bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

Gian nan việc bảo tồn

Theo ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, việc sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng, công tác nghiên cứu còn mang tính dàn trải, chưa chuyên sâu. Nhiều tín ngưỡng văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào đã phần nào bị pha tạp. Một số lễ hội mang tính cộng đồng ít được đồng bào các dân tộc quan tâm và nếu có tổ chức thì nghi thức, các món ăn cũng đã không còn giữ được nguyên bản. Bây giờ nhà ở của đồng bào đã chuyển qua nhà xây kiên cố với kiến trúc giống của người Kinh. Trang phục truyền thống DTTS tuy có nhiều chính sách để bảo tồn nhưng cũng chỉ xuất hiện trong các ngày lễ hội. Thanh niên bây giờ dễ tiếp thu với những văn hóa bên ngoài và quay lưng lại với những sinh hoạt văn hóa dân tộc.

 Huyện Khánh Sơn đã đạt được những kết quả trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, huyện cũng đã có chủ trương phát huy văn hóa truyền thống, ngành nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa vững chắc. Việc tổ chức các lễ hội của đồng bào Raglai đạt hiệu quả chưa cao, chưa khai thác được đầy đủ nét độc đáo, bản sắc riêng, giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Tham gia các lễ hội đó, chúng ta chưa thấy hết vai trò của người dân, tính chủ động của quần chúng với vai trò là chủ thể của lễ hội. “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS là câu chuyện dài. Trong tiến trình đó, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ kinh phí để khôi phục đàn đá nước, trang phục của người Raglai, tổ chức các lớp học hát sử thi cho thế hệ trẻ”, bà Bo Bo Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết.

Mới đây, trong buổi làm việc với các ngành, địa phương về công tác quản lý nhà nước đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS, ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến nội dung này. Đã đến lúc cần có sự xem xét, rà soát và tổng kết lại những chủ trương, chính sách đã thực hiện. Trên cơ sở đó có hướng điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các tập tục, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS một cách có hệ thống; gắn việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế với đặc điểm văn hóa, tập quán của người dân.

Tác giả bài viết: Giang Đình

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn

- Từ năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Khánh Sơn và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Khánh Sơn đã hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, theo Quyết định số 3981/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, và đã có sự thay đổi về...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây