10 sự kiện Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2017

Thứ ba - 09/01/2018 08:49
Năm 2017, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của nước ta tiếp tục thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tạp chí Thế giới Di sản – Cơ quan của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam bình chọn và giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2017.

1. Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hội Bài Chòi. Ảnh: dsvh.gov.vn

Vào hồi 17h10 phút giờ địa phương (15h10 phút giờ Việt Nam) ngày 7 tháng 12 năm 2017, tại Kỳ họp thứ 12, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Hồ sơ Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

2. Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Vào hồi 10 giờ 52 phút giờ địa phương (8 giờ 52 phút giờ Việt Nam) ngày 8 tháng 12 năm 2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phường Xoan Kim Đái biểu diễn tiết mục Mó Cá tại đình Lâu Thượng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

Tính đến nay, Việt Nam có 12 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, gồm 11 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và 1 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

3.  Luật Du lịch được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19-6-2017, khẳng định: Tài nguyên du lịch gồm: Tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa

“Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch”.

“Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch”.

4. Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam

Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 gồm 4 chương, 24 điều, có hiệu lực thi hành từ 10-11-2017 quy định cụ thể về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

5. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020

Theo Quyết định số 936 /QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình có tổng kinh phí 10.620 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần, trong đó Dự án 1 “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa” kinh phí 6.968 tỷ đồng, nhằm 3 mục tiêu:

- Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể cho 20 di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; hỗ trợ chống xuống cấp khoảng 400 di tích cấp quốc gia.

- Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã và sẽ được UNESCO ghi danh trong giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đại diện của nhân loại và cần bảo vệ khẩn cấp; thực hiện các cam kết trong các hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; hỗ trợ phục dựng, bảo tồn lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống để khai thác phát triển du lịch văn hóa; bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người.

6. Thêm 10 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 8

Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng thêm 10 Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 8), năm 2017.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, qua 8 đợt xếp hạng đã có 95 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Văn miếu Mao Điền. Ảnh: vietnamtourism.com

7. Thêm 24 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia

Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2090/QĐ-TTg công nhận thêm 24 Bảo vật quốc gia. Đây là đợt công nhận thứ 6 kể từ đợt đầu tiên vào tháng 10-2012.

Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 142 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

8. Thêm 37 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Năm 2017, qua 4 đợt công nhận (đợt 17, đợt 18, đợt 19, đợt 20), đã có 37 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tính đến thời điểm này, cả nước có 228 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Katê của người Chăm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: lehoithegioi.com

9. Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11-2017 diễn ra sâu rộng trong cả nước với nhiều hình thức phong phú, đa dạng

Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sự kiện về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được tổ chức ở Trung ương và địa phương, thu hút đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, những người tâm huyết với di sản văn hóa và các tầng lớp nhân dân tham gia; góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.  

Cắt băng khai mạc “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” lần thứ 2 tại Hà Nội 2017

10. Tình trạng xâm hại di tích, cháy nổ và mất trộm hiện vật… tại di tích tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tổn thất cho di sản văn hóa dân tộc

Lửa bao trùm ngôi đình cổ Lưu Xá (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trưa 27-11- 2017. Ảnh: http: tinnong.net.vn   

 

Tác giả bài viết: thegioidisan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Người Raglai ở Khánh Hòa

  Ảnh: Hồ Quốc     Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.     Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú...

Thăm dò ý kiến

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng năm nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây